12 tháng 1, 2012

THƠ CHẮP CÁNH CHO TÌNH YÊU

                                                                                                                                    


THƠ CHẮP CÁNH CHO TÌNH YÊU



Bài viết của phóng viên Bình Vũ, đăng ở báo KINH TẾ - MÔI TRƯỜNG số tháng 01 - 2012 (Xuân Nhâm Thìn).




   Hẹn găp hai vợ chồng thi sĩ trong cái se lạnh của những ngày cuối năm , chúng tôi chờ đợi được nghe những chia sẻ của đôi vợ chồng người cựu chiến binh , doanh nhân , nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân với những thăng trầm chốn thương trường, để tạo dựng thành công thương hiệu đồ gỗ Mỹ Hà nổi tiếng trong giới kinh doanh đất Hà thành, ở cái tuổi xưa nay hiếm - tuổi về hưu.
   
                 CẢM HỨNG THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG.
   Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ngăn nắp , đầy đủ tiện nghi nằm trong con phố Y Miếu (Hà nội) yên tĩnh là cặp vợ chồng đã ngoại thất tuần , nhưng giọng nói vẫn đầy ấm áp , khỏe khoắn. "Cuối năm lại được ngồi hàn huyên với các nhà báo về chuyện thơ phú thì còn gì bằng" là câu nói đầu tiên của đôi vợ chồng này khi mở cửa đón tiếp, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên có phần chột dạ nghĩ mình tìm nhầm địa chỉ . Như đoán trước được tâm trạng của tôi bác gái đã tiếp lời : " Các bác thích trò chuyện với tư cách là một nhà thơ hơn là một nhà doanh nhân" Quả thật, những dấu hiệu tuổi tác dường như không có trong định nghĩa của những ai bén duyên với thi ca , tôi thấy điều đó đúng ở cặp vợ chồng này. Và, tôi đã tìm cho mình câu trả lời tại sao trong nhà không hề thấy những cuốn sách nói về kinh nghiệm làm ăn , kinh doanh mà thay vào đó là những chồng sách thơ được xếp ngay ngắn ở khắp gian phòng. Không chỉ là cặp doanh nhân thành đạt mà họ còn là những nhà thơ đã tạo được những dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc - nhà thơ Duy Yên - Kim Vân.
     Sự gặp gỡ của chúng tôi cũng thật tình cờ và như nhà thơ Kim Vân nói : nó giống như một duyên nợ trong thi ca vậy. Như gặp được những người bạn tâm giao, bà tiếp chuyện chúng tôi bằng những vần thơ chứa chan kỷ niệm, giàu xúc cảm về miền quê xưa nổi tiếng với những chùm nhãn lồng - nơi đã chứng kiến mối tình đẹp như mơ của người lính cụ Hồ với cô thôn nữ. Mối tình của họ đẹp và ngọt lịm như vị nhãn chính vụ.
    Những cánh thư viết bằng thơ mộc mạc, chân thành của chàng trai trẻ Nguyễn Duy Yên gửi về từ nơi lửa đạn chiến tranh , đã chinh phục được trái tim bướng bỉnh của cô thôn nữ nơi miền quê nghèo, thắp lửa cho tình yêu và niềm đam mê thơ ca trong họ. Sự gặp gỡ, nên duyên của hai con người ấy là sự gặp gỡ của hai tâm hồn thơ đồng điệu.
   Chúng tôi đang miên man hình dung về không gian, thời gian và vẻ thanh khiết, lãng mạn của đôi vợ chồng ấy, thì cùng lúc bà cất giọng ngâm :" Người ở nơi nào chốn phương xa / Quên được sao đây nỗi nhớ nhà / Chắc hẳn người yêu anh nhớ lắm / Thẹn thùng e lệ dáng kiêu sa". Chưa dứt lời ông đã đáp lại : "Yêu lắm em ơi những buổi chiều ? Mây mờ bàng bạc nắng vàng gieo / Cánh chim nhẹ lướt theo làn gió / Khúc nhạc hoàng hôn vẫn nhịp đều". Và rồi họ trao nhau ánh mắt trìu mến, ấm áp như thuở nào. Chỉ họ mới hiểu tình yêu của hai tâm hồn với những giận hờn, khi phải nghe lời cụ thân sinh, nên duyên vợ chồng với anh lính trẻ, mà tài sản duy nhất khi đó chỉ là chiếc ba lô con cóc. Nhưng rồi họ đã nuôi dưỡng tình yêu, sự thủy chung bằng những vần thơ ngọt ngào, chan chứa nghĩa tình. Để đến ngày hôm nay, dù đã đi qua quá nửa đời người, khi những gánh nặng cơm áo, gạo tiền đã ở phía sau, con cái đã phương trưởng thì trong cuộc sống của đôi vợ chồng ấy vẫn không thiếu đi những vần thơ. Tuổi tác không làm giảm sức sáng tạo ở hai tâm hồn thơ ấy mà còn làm cho cảm hứng thơ ca thêm dạt dào, Họ vẫn làm thơ và đọc thơ cho nhau để cùng nhớ về những kỷ niệm thời trai trẻ, nơi miền quê xa vắng với một tình yêu nguyên vẹn.
   Những năm tháng vất vả mưu sinh để lo cho gia đình nhỏ với 6 người con mãi là kỷ niệm không bao giờ quên của ông bà. Họ đã cùng nhau đi qua những thăng trầm của cuộc sống, trải qua đủ các nghề từ việc in nhãn vở, in khăn mùi xoa gia công cho Công ty bách hóa, nhuộm giấy, xay trấu làm bìa cặp ba giây, làm hàng nhựa... đã có lúc khiến cho niềm say mê thơ ở họ phải gác lại. Nhưng nhà thơ Nguyễn Duy Yên - người lính năm xưa đã từng tham gia nhiều chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vẫn đều đặn tặng vợ một bài thơ xuân mỗi độ Tết đến. Đó là món quà ông gửi tới vợ cả đời tần tảo, khi cảm hứng thi ca phải gác lại bởi nỗi lo thường nhật. Đến nay "gia tài thơ" với 11 tập thơ in chung và riêng của hai nhà thơ này còn phải kể đến món quà mà ông tặng vợ là 101 bài thơ về chủ đề xuân.                                                

                                     Chắp cánh cho lớp thơ trẻ.
     Cuối những năm 80 khi cuộc sống đã khá giả hơn, công việc kinh doanh cũng thuận lợi, người phụ nữ ấy bán toàn bộ vật tư, máy móc của cơ sở sản xuất nhựa mà bấy lâu nay bà đã dày công gây dựng để mở một HTX Mỹ Hà chuyên làm đồ gỗ mỹ nghệ chạm - khảm trai, một quyết định lạ lùng trong lúc đang làm ăn phát đạt.
    Lý giải cho quyết định của mình khi đó, nhà thơ Kim Vân chia sẻ, mong ước của bà là góp phần công sức nhỏ bé để khôi phục nghề chạm - khảm truyền thống của dân tộc,  giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bắt tay triển khai với không ít khó khăn, nhưng chưa khi nào người phụ nữ ấy thôi nuôi hy vọng, kiên trì đến bền bỉ. Giờ đây, không ai có thể phủ nhận thương hiệu đồ gỗ Mỹ Hà thành công không chỉ ở trong nước mà cò được nhiều bạn hàng quốc tế biết đến, Mọi người càng hiểu quyết định lạ lùng khi đó là một quyết định táo bạo của một người hiểu thời thế,
   Niềm vui sống của hai vợ chồng nhà thơ Duy Yên - Kim Vân giờ đây không chỉ dành trọn thời gian cho thơ ca mà còn là niềm vui khi chứng kiến từng bước trưởng thành của các con, Cuộc sống lao động, sáng tạo suốt một đời của hai vợ chồng nhà thơ đã truyền cho các con tình yêu, nghề nghiệp, sự cầu tiến vượt lên mọi khó khăn, làm giàu bằng chính sức mình, Đến nay cả sáu người con đều trở thành những giám đốc, những nhà doanh nghiệp thành công.
Đi lên từ khó khăn, vất vả với hai bàn tay trắng, tài sản ông bà để cho con, cháu không phải là tiền bạc mà là chính những trải nghiệm từ cuộc sống, là những trang thơ thấm đượm nghĩa tình . Vinh dự hơn khi  nhà thơ Duy Yên - Kim Vân được ghi danh là một trong 68 cá nhân tiêu biểu cho nền  Khoa học- Văn hóa - Nghệ thuật được lưu danh trong Trung tâm lưu trữ Quốc gia III. Ông bà luôn hướng cho các con, các cháu phải biết trân trọng những khoảnh khắc gắn bó gia đình dù trong mọi hoàn cảnh, đề cao giá trị nhân văn, bác ái làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm, chứ không phải vì những xưng danh hão huyền, kiên trì trong các chuyến đi làm từ thiện, các hoạt động xã hội là cách để cho họ dạy cho các con biết yêu thương , chia sẻ với những số phận nghèo khó ,  giữ gìn truyền thống đạo đức "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc và càng trân trọng hơn những thành quả mà cha mẹ đã vất vả lao động cả một đời để lại,
   Một mùa xuân nữa lại về, bài thơ xuân mà Duy Yên tặng cho người bạn đời của mình đã hoàn thành, Giây phút sum họp bên các con, các cháu trong thời khắc bước sang năm mới để cùng thưởng thức bữa tiệc thơ của hai vợ chồng nhà thơ Duy Yên - Kim Vân đang đến rất gần. Chúng tôi cảm thấy vui lây trong niềm vui rất đỗi giản dị, đầy lãng mạn của hai tâm hồn thơ, Mong muốn được trở về bên gia đình trong những ngày cuối năm càng giục giã bước chân...

                                                                                    Phóng viên báo Kinh tế - Môi trường

                                                                                                         Bình Vũ