12 tháng 2, 2012

Ngôi nhà thơ giữa chợ đời


  Tôi không thể ngờ được rằng sau khi chen chúc len lỏi giữa sự ồn ào mua bán của chợ Ngô Sĩ Liên, một cái chợ gần ga Trần Quý Cáp, mình lại lọt vào một ngôi nhà tĩnh lặng, xanh mát bóng cây. Ngôi nhà ấy nằm ngay cạnh Y Miếu - nơi thờ phụng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đó là ngôi nhà của anh chị Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân.
     Trong nhà, ở vị trí trang trọng là bức ảnh cụ Phan Kế Bính (1875-1921) - một danh nhân văn hóa của Thủ đô. Cụ Phan Kế Bính là ông ngoại anh Nguyễn Duy Yên. Ông nội anh là cụ Nguyễn Văn Bình (1855-1945) cũng là một bậc túc nho đất Hưng Yên, đã từng để lại những nét chữ Hán tài hoa ở chùa Quán Sứ.
     Trên tường có đôi câu đối thủ bát của giáo sư Vũ Khiêu viết tặng anh chị Yên - Vân: "Mây xanh khói biếc trăm năm hẹn - Bút sắc gươm thiêng một tiếng lòng". Đấy là cảm giác của giáo sư Vũ Khiêu sau khi đọc tập thơ in chung của hai tác giả Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân mang tựa đề " Tiếng lòng" (do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành năm 1997). Năm 2000, cặp vợ chồng Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân lại in chung một tập thơ mang tên "Dặm đời", Nhà xuất bản Văn học.
     Mà ban đầu, cả anh và chị đâu có nghĩ sẽ trở thành những người làm thơ. Ban đầu, chỉ là vì thơ ca tự nó đã đến trong cuộc đời hai người - một cuộc đời thật nhiều ý nghĩa, thật nhiều vẻ đẹp. Anh Nguyễn Duy Yên vốn là học sinh trường lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 5) và đã trở thành "anh bộ đội Cụ Hồ" trong những năm kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, chị Đoàn Kim Vân là một cô thôn nữ ở Tiên Lữ - Hưng Yên giữ lời hứa hẹn đợi chờ anh. Tình yêu của họ trải qua tất cả những giai đoạn lịch sử của đất nước ta ở nửa sau thế kỷ XX này, với nhiều thử thách, nhiều khó khăn, nhưng cũng nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc... Và, thơ ca đã sinh ra như một nhu cầu nội tại. Thơ ca làm cho cuộc sống sâu sắc hơn, hạnh phúc trọn vẹn hơn.
    Dường như chính giáo sư - nhà giáo ưu tú Dương Viết Á là người có công "phát hiện" những bài thơ của anh Nguyễn Duy Yên và chị Đoàn Kim Vân. Là người đầu tiên được đọc những bài thơ của hai anh chị Yên - Vân, giáo sư Dương Viết Á rất tâm đắc: " Đây là tiếng nói từ đáy lòng sâu thẳm. Đây là tiếng thì thầm hằng ủ chín lên men. Họ thủ thỉ với nhau thời thanh xuân; tự tình với nhau khi tình yêu kết trái; lưu luyến lúc chia tay và trĩu buồn giờ tiễn biệt. Qua hai cuộc chiến tranh, và cả những năm tháng hòa bình, họ hằng nhớ nhung trong xa cách và đếm đợi phút sum vầy. Đôi lứa ấy yêu nhau tha thiết đến là da diết; yêu nhau mãnh liệt đến là cuồng nhiệt. Trao gửi cho nhau bằng gì đây? Dòng chữ, trang thư chăng? Chưa đủ! Và còn quá thiếu! Thế là thư thành thơ, những trang thư thành những áng thơ...". Và, rồi thì các nhạc sĩ tìm thấy sự đồng cảm từ những bài thơ của hai tác giả Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân; bởi các nhạc sĩ ấy phần lớn cũng là những cựu chiến binh từ thời chống Pháp. Nhiều bài thơ của anh chị đã được các nhạc sĩ Trần Hoàn, Huy Du, Huy Thục, Hoàng Vân, Thuận Yến, Hồng Đăng, La Thăng, Đoàn Bổng...phổ nhạc. Nhà xuất bản Âm nhạc đã phát hành bốn băng thơ của Đoàn Kim Vân, một băng nhạc phổ thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên. Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội đã phát một cuốc phim tài liệu nghệ thuật về anh chị Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân...
    Một chiều mùa hè ngoài đường nắng oi, tôi ngồi trong căn nhà số 12 Y Miếu, phường Văn Miếu của gia đình anh chị Yên - Vân nghe kể lại những bước đường đời của hai người hơn nửa thế kỷ qua... Nhìn ra bên ngoài, thấy bóng cổ thụ và mái cong xanh rêu Y Miếu, tôi có cảm giác thời gian như lắng đọng nơi đây - một cảm giác rất thiêng liêng về những gì gọi là truyền thống văn hiến của Thủ đô, của đất nước. Tôi nhớ cảnh chen chúc ồn ào ở cái chợ mà mình phải đi qua để vào ngôi nhà này. Tôi nghĩ tới tình trạng kinh tế thị trường nói chung. Và tôi càng yêu mến trân trọng những con người luôn lấy chữ Tâm làm trọng, luôn để chữ Tình lên trên như anh Nguyễn Duy Yên và chị Đoàn Kim Vân. Chính là nhờ vậy, anh chị đã gìn giữ được ngôi nhà thơ ngay giữa chợ đời...

                                                                   ĐẶNG THÁI MINH
                                               (Báo Người Hà Nội - Số 24 - Ra ngày 16/6/2001)