HÃY CỨ NÓI NHỮNG ĐIỀU CỦA HƯƠNG NHÃN
(Đọc Mùa hoa nhãn, thơ của Đoàn Kim Vân
Nxb, Hội nhà văn, 2010)
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ
Tôi biết tác giả Đoàn Kim Vân có thời gian tham gia hoạt động xã hội nhiều năm. Bởi thế chị thường có mặt ở nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Vốn là người đa cảm, đi đâu, ở đâu chị cũng giành thời gian cho thơ. Phần nhiều bài trong các tập của chị được giành cho đề tài này - tất nhiên trong đó có cả chính cho quê hương mình. Đến nay chi đã có 5 tập in chung (2 tác giả) và 2 tập in riêng: Ngược dòng thời gian - Nxb. Văn học 2008 và đây là Mùa hoa nhãn - Nxb. Hội nhà văn 2010. Trong số các tập ấy, ngược dòng thời gian chiếm vị thế quan trọng trong quá trình thơ chị. Ở đây, các suy nghĩ hầu như diễn biến một cách chín đọng từ tư duy và từ lối thể hiện, làm cho thơ chị chuyển sang bước thang mới, đánh dấu sự chuyển đổi nghệ thuật thơ mình. Mùa hoa nhãn - tập thơ mà chúng ta đang có trên tay được tiếp nối ngay sau bước chuyển đó. Một chùm nhãn lồng Hưng Yên đầy đặn đang tỏa thơm như tấm lòng tác giả qua thơ trên trang giấy, nó cũng đạt đến độ chín.Chúng ta sẽ gặp ở đây một lối thể hiện tự nhiên phù hợp với nội dung thơ của Đoàn Kim Vân mà phần chị dành để ghi lại các điểm đến trên các vùng quê hương đất nước. Từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đến người lao động và quê hương của mình. Tuy nhiên, nhất định khác với những tập thơ trước bằng cách có chọn lọc mà chủ yếu ở sự thể hiện nâng cao.
Trong bài "Mùa hoa nhãn", Đoàn Kim Vân đã thoát ra khỏi tình trạng mà khi viết về quê mình, nhiều tác giả thường tham gia đủ các chi tiết, chị đã cô đọng hơn ở những câu gợi tả bằng ba hình ảnh: dòng sông vỗ bờ nhãn hoa vàng có hương mật ong, là đủ. Đặc biệt, trong hình ảnh này, ta dễ nhớ được đôi câu:
Chuyến đò ngang mấy cánh buồm ngược gió
Hạ chớm về, hoa nhãn tỏa hương rơi
Đấy là ở quê, còn ở Hà Nội, nơi sinh sống hiện tại thì chị nhìn Hồ Tây như thế nào:
Giăng tơ trong ánh hoa đèn
Sương khuya mờ ảo, con thuyền đung đưa
Và ở nhiều bài khác, ngoài việc chắt lọc, cô đọng mạch cảm xúc, chị chú ý nhiều đến cách dùng từ rồi để câu thơ tự nó gợi mở xúc cảm, giọng điệu phù hợp với địa danh. Tôi chỉ nêu thêm một vài nơi có đặc điểm riêng mà chúng ta dường như đã có lần đặt chân đến, như ở SaPa:
Khách đứng ngang trời, mơ mà thực
Ngẩng mặt trông lên đá đội đầu.
Ở Huế thì:
Lững lờ thuyền thả êm trôi
Gió vờn khua nước, trăng soi mạn thuyền
...
Đêm tàn lãng đãng sương rơi
Thuyền neo đậu bến, dòng đời cuốn theo...
Đấy là những câu thơ hay, vượt lên khỏi sự mô tả cụ thể và đơn điệu như chúng ta vẫn bắt gặp, còn riêng với chị, vượt qua nhiều bài ở những năm trước đây.Trong thơ của tác giả, hầu như và dĩ nhiên ở tập nào nhà thơ cũng dành một phần nói khá đậm về suy tư với đời sống bằng cách cảm nhận riêng của mình. Đoàn Kim Vân cũng không là ngoại lệ. Gần một nửa số bài trong tập được chị giành cho việc ấy. Mạch tình cảm có chủ ý đã quán xuyến theo chuỗi quan sát, suy ngẫm tạo một trình tự có trước, có sau hợp với tâm trạng mà tác giả cần bộc lộ. Có thể ở đâu đó, khi vắng người thân, khi cần phải vượt khó, trước biển, chị viết:
Mênh mông biển rộng sông dài
Sầu riêng một gánh, hai vai nặng tình.
Rồi sau những ngày vất vả, lăn lộn với cuộc sống, lúc tĩnh tâm ở quê nhà, chị viết:
Trải bao mưa nắng, dãi dầu
Dừng chân vườn cũ, mái đầu điểm sương.
Trong "Mùa hoa nhãn" còn nhiều bài, nhiều ý cô dọng về các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và vợ chồng - đều là sự gắn kết giữa tình cảm và trách nhiệm - đó chính là bản năng, ước muốn chính đáng của người làm thơ , trước bạn đọc. Có một lần, chị nhắn với em gái của mình:
Em về trong ấy buồn trống vắng
Ngoài này chị nhớ lúc đông sang.
Thật cảm động. Có khá nhiều câu thơ hay ở các bài như: Thu cảm, Chiều tiễn biệt, Dòng sông nỗi nhớ, Qua thôn Vĩ Dạ nhớ người xưa, Đôi vầng nhật nguyệt, Hà Nội vào thu... mà tôi không trích ra đây. Chỉ xin thêm một ý với tác giả ở chỗ qua thơ chúng tôi hiểu về chị và mong ước cuộc sống của chị, làm đẹp cho mình và cho mọi người như đời và thơ chị là một việc khó. Với những bài thơ trân thành này - dẫu có câu còn chưa thoát ý nhưng khát vọng là chính. Hãy cứ nói những điều của hương nhãn dẫu từ chị cũng đã ý thức được từng bước đi trong thơ rất khiêm nhường của mình:
Bài thơ mới viết nửa chừng
Giấc mơ chiều, mãi xin đừng đi qua.
Hà Nội, Tháng 6-2010