23 tháng 11, 2011

Chưa có "bàn tay vàng" làm gỗ xuất khẩu


                                               Bà Đoàn Kim Vân - Chủ nhiệm HTX Mỹ Hà

Bà Đoàn Kim Vân, Chủ nhiệm HTX Mỹ Hà, chuyên chế biến và chạm khảm gỗ xuất khẩu, đã nhận định như vậy sáng nay tại tọa đàm Sản phẩm gỗ VN với thị trường EU, tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội.

“Tôi rất thất vọng khi đi khảo sát thị trường Hong Kong vừa qua, vì thấy có những bộ bàn ghế trạm trổ của nước bạn được bán với giá 40.000 USD. Trong khi đó hàng của ta chỉ có giá vài ba triệu đồng. Nhưng phải thừa nhận là kỹ xảo của họ hơn hẳn ta, nên việc ta thua cũng không mấy khó hiểu”, bà Vân nói.

Giải thích chi tiết hơn, bà Vân kể, nguyên liệu để có thể chế tác ra những sản phẩm gỗ có kỹ thuật cao phải là cây rừng có tuổi từ 60 năm trở lên, ở VN rất hiếm. Hơn thế, việc đào tạo nghệ nhân tinh chế gỗ ở VN còn rất ì ạch, khiến doanh nghiệp đành phải chấp nhận xuất hàng thô.

Chia sẻ ý kiến với bà Vân, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự nhận định, muốn phát triển nghề gỗ, rất cần có những nghệ nhân thực tài và yêu nghề. Ông gợi ý, các chủ doanh nghiệp nên mạnh dạn cử chính con em mình tham gia các khóa học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để sau này nối nghiệp ông cha với một tầm nhìn mới rộng hơn.

Sản phẩm của công ty gỗ Mỹ Hà

Đánh giá về tiềm năng sản phẩm gỗ VN tại thị trường EU, Thứ trưởng Tự nói, EU đã dành cho VN quy chế thuế quan phổ cập (GSP) nên khả năng tăng kim ngạch vào thị trường này là rất lớn. Tuy nhiên, ông cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn tới nhãn hiệu sản phẩm để tránh xảy ra tranh chấp về sau.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Đức Xuyền, Cục phó Chế biến nông, lâm sản (Bộ NN & PTNT) đã trình bày chiến lược phát triển ngành gỗ đến năm 2010. Theo đó, sẽ giảm dần lượng gỗ lấy từ rừng tự nhiên mà chuyển sang lấy rừng trồng làm nguồn nguyên liệu chính. Bộ NN & PTNT dự tính đến 2010 sẽ nhập khẩu 500.000-600.000 m3 gỗ/năm, chủ yếu là song mây, phục vụ cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mặt hàng mộc.

Đại diện một số tổ chức quốc tế như Phòng thương mại châu Âu tại VN (EuroCham), Tropic Dane, Swedish Timber Group, Tropical Forest Trust… tại hội thảo đã cam kết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp ngành gỗ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ hàng vào thị trường EU trong thời gian tới.

Hiện cả nước có 1.200 doanh nghiệp tham gia chế biến gỗ, trải đều khắp các tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, TP HCM…

Theo_VnExpress.net