23 tháng 11, 2011

Tạo sự giàu đẹp bằng đồ gỗ mỹ nghệ



DOANH NHÂN ĐOÀN KIM VÂN


Chị Đoàn Kim Vân niềm nở đón chúng tôi ở cửa hàng đồ gỗ Mỹ Hà - Phố Lê Duẩn - Hà Nội. Hoạt bát, trang nhã, giọng ấm sôi nổi, trẻ hơn nhiều so với tuổi có lẽ đó là thế mạnh của chị trong kinh doanh. Nếu không nghe kể về công việc làm ăn vất vả đã trải qua thì ai cũng nghĩ chị là người phụ nữ sinh ra ở phố cổ Hàng Đào, Hàng Ngang.
Quê chị ở huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên - cách phố Hiến - đô thị cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18 nổi tiếng sầm uất sau Kinh Kỳ, khoảng hơn 10 km. Dù xa đã gần cả cuộc đời nhưng những kỷ niệm về thời trẻ, tình yêu mảnh đất nơi " chôn rau cắt rốn" nơi chị vẫn nguyên vẹn.
Về lại chốn thị thành
Chị Vân nhớ lại tuổi thơ đã cùng mẹ buôn bán ở chợ huyện. Ông thân sinh ra chị trước làm giáo học, tham gia cách mạng những năm đầu giành chính quyền rồi bị địch giết hại. Bà thân sinh ra chị buôn bán tần tảo nuôi con ăn học.
Bà cụ buôn từ rổ tép, gánh rau thế mà sau này làm nên cơ nghiệp nuôi một đàn con nhiều người thành đạt. Khả năng kinh doanh của chị có được có lẽ một phần học ở người mẹ tần tảo, căn cơ ở chốn đô thị cổ. Chị nhớ về thời con gái lấy chồng sớm, mới ngoài hai mươi tuổi đã có hai con. Chồng chị đi bộ đội thời chống Pháp. Hồi ấy chưa có lương, cho đến khi Miền Bắc giải phóng anh vẫn trong quân ngũ. Không biết lần về phép được mấy ngày sau hoà bình, anh chị bàn với nhau thế nào mà chị quyết tâm lên Hà Nội.
Được bạn bè giúp đỡ, chị xin vào làm việc ở Bảo tàng lịch sử, sau chuyển sang Trung ương hội Đông y Việt Nam. Lương thấp, ở đất Thủ đô những năm cơ chế bao cấp sống bằng tem phiếu trăm đường khó khăn. Mấy mẹ con ở trong gian nhà tập thể, nhiều đêm mưa lạnh nhìn trời đổ nước tầm tã, chị không khỏi nao lòng, cũng có lúc thấy nản nhưng tình thương con, ý thức trách nhiệm của người vợ bộ đội đã giúp chị vươn lên. Phải tìm cách làm thêm nuôi các con ăn học nên người, để chồng yên tâm công tác - nghĩ thế chị thanh thản, từ đó ai mách làm việc gì có đồng ra đồng vào là chị làm. Những đồng tiền chính đáng chị kiếm được nuôi các con ăn học trong lúc chị phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan.
Cuộc hành trình gian khổ
Vui câu chuyện, chị kể về những nghề đã làm: Bắt đầu là việc in nhãn vở, có người bạn gái tìm mối tiêu thụ và hướng dẫn cách làm. Chị chạy mua giấy mực, tìm chỗ khắc dấu mọi việc đều bỡ ngỡ. Thế là tối nào cũng vậy, sau bữa cơm mỗi mẹ con mỗi người một việc quây quần người in, người phơi, người xếp... cho đến khuya. Rồi làm khăn mùi xoa gia công cho cửa hàng bách hoá.
Mỗi cái cũng chỉ kiếm được mấy xu nhưng tích tiểu thành đại, cuối năm cũng được một món để may sắm quần áo. Ai đặt làm việc gì chị cũng nhận, nào là nhuộm cặp sách, xay trấu làm cặp ba giây, làm hàng nhựa...
Điểm qua các nghề rồi chị nhận xét: vất vả nhất là nghề làm nhựa nhưng cũng tốn tiền. Chị đi học nghề rồi thuê thợ làm các thiết bị. Chạy vay vốn, thuê thợ, đặt làm hàng mấy tháng trời, một cơ sở sản xuất nhựa tư nhân được hinh thành. Mới đầu nhìn cũng ngốt nhưng rồi phóng lao phải theo lao. Phải thuê người hướng dẫn kỹ thuật, một vài người thợ. Hồi ấy cũng lo lắm, không như bây giờ muốn thuê mấy người làm cũng được. Nhờ có mối làm ăn cũ nên cũng có nhiều khách - đặt hàng gì mình làm nấy. Lúc đầu là làm hộp đựng xà phòng cho các cửa hàng bách hoá rồi làm can các loại đựng hoá chất cho Công ty hoá chất Đức Giang; làm can nhựa trắng từ 5 lít đến đến 20 lít cho Tổng cục hậu cần ... làm cả dép nhựa cho bộ đội.
Không chỉ tìm được nhiều việc làm mà chị còn là người có đầu óc kỹ thuật, biết nghiên cứu tận dụng phế liệu, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế. Chị nghĩ đơn giản: Mình làm, các con cùng làm có thế chúng mới không đua đòi, lêu lổng, có ý thức học tập, mặt khác giúp được cho nhiều người có công ăn việc làm. Sau này chồng chị chuyển ngành, tiếp thêm sức mạnh cho chị trong công việc làm ăn. Cuối những năm 80 chị bán toàn bộ vật tư, máy móc của cơ sở sản xuất nhựa mà bấy lâu chị gây dựng nên, một quyết định lạ lùng trong lúc đang làm ăn phát đạt. Sau này nhiều người mới hiểu đó là một quyết đinh táo bạo của một người hiểu thời thế.
Phát triển theo với công cuốc đổi mới
Chị mày mò suy nghĩ tìm ra hướng mới cho công việc kinh doanh là thành lập HTX Mỹ Hà chuyên làm đồ gỗ mỹ nghệ. Mời thợ giỏi, đào tạo thợ mới, đầu tư cho các làng nghề làm gỗ chạm khảm xuất khẩu. Trong vài năm, hàng của HTX Mỹ Hà đã có tiếng.
Tại Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ lần thứ hai năm 1987, đồ gỗ Mỹ Hà được Huy chương Vàng, giúp chị thêm niềm tin và quyết tâm. Nghị quyết VI của đảng về đổi mới kinh tế đất nước cho phép các thành phần kinh tế phát triển tạo ra một bước tiến mới cho HTX Mỹ Hà. Sản phẩm ngày càng phong phú, ngoài những bộ bàn ghế chạm khảm bằng các loại gỗ quý còn có các loại tượng, phù điêu nghệ thuật. Đồ gốm sứ cũng là mặt hàng được khách nước ngoài ưa chuộng góp phần tăng thêm thu nhập ngày càng cao của HTX.
Tiếng lành đồn xa, năm 1990 một quan chức Lào thăm Việt Nam đã đến HTX Mỹ Hà."Mê" đồ gỗ chạm khảm, ông mời chị Vân sang thăm Lào. Một thời gian sau nhiều bộ bàn ghế bằng gỗ quý chạm khảm mang theo cùng với chuyến đi rất được khách hàng ưa thích. Về nước với nhiều hợp đồng mới, chị tổ chức lại HTX với quy mô lớn hơn để đáp ứng yêu cầu mới. Không những tạo điều kiện về vốn, chị còn đưa quy trình sản xuất theo dây chuyền vào làm hàng tăng năng suất, giảm giá thành. Nhiều làng nghề làm gia công hàng xuất khẩu góp phần sống lại nghề truyền thống của ông cha đã bị mai một. Hàng trăm lao động có mức lương bình quân hàng tháng từ 600 - 800 nghìn đồng, từ một cửa hàng bán đồ gỗ mỹ nghệ, đến nay đã có 12 cửa hàng ở nhiều phố lớn của Thủ đô.
Có một điều làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên là mấy năm nay chị Vân ít làm hàng xuất khẩu. Vốn không thiếu, khách hàng cũng đã có, nhưng điều làm chị băn khoăn là gỗ quý của ta mất đi ngày càng nhiều. Tôi hỏi chị:" Tại sao chị ít làm hàng xuất khẩu?". Chị nói ngay:"Đời sống nhân dân mình ngày càng nâng lên, nhu cầu đồ gỗ mỹ nghệ ngày càng lớn. Xuất khẩu nhiều thì gỗ tốt của ta bị tàn phá nhiều, bán đồ gỗ quý ra nước ngoài tiếc lắm, chỉ làm hàng xuất khẩu mang tính chất nghệ thuật cao, dùng ít gỗ quý".
Chắp cánh cho lớp trẻ
Niềm vui của chị Vân bây giờ là các con đã trưởng thành. Chị vui vẻ pha chút tự hào khi kể về những người con: "Mới ngày nào chúng nó còn bé thế mà loáng một cái giờ khôn lớn cả rồi. Chỉ có người con út ở với anh chị còn thì có nhà riêng". Tôi lây cái vui của chị, đúng là ở đất Hà Nội, nuôi được sáu người con học hành nên người quả là công lao vất vả. Cuộc sống lao động, cuộc sống lao động, sáng tạo suốt một đời của anh chị đã truyền cho các con tình yêu nghề nghiệp của cha mẹ. Các con chị tiếp tục công việc kinh doanh, cả sáu người con đều có cửa hàng sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ - những nhà doanh nghiệp trẻ.
Bây giờ, anh chị hàng ngày vẫn đến cửa hàng của mình hoặc cửa hàng của các con. Tôi có dịp gặp Nguyễn Anh Dũng - con trai của anh chị trong dịp chuẩn bị hội nghị những nhà doanh nghiệp thành đạt của Hà Nội. Dũng tốt nghiệp đại học ở Đức, làm kinh doanh vài năm rồi về nước thành lập công ty riêng. Có lẽ trong giới doanh nghiệp trẻ Thủ đô thì Dũng cũng vào loại "có tiếng", đang trăn trở tìm cho mình một hướng đi riêng! Ngoài công việc kinh doanh, Dũng tham gia các hoạt động tích cực của Hội Doanh nghiệp trẻ Thủ Đô, làm từ thiện và các hoạt động xã hội khác. Với ý tưởng "Uống nước nhớ nguồn", anh đã đóng góp tiền bạc và công sức cho quê nhà, xây dựng một công viên sinh thái trên diện tích 4.000m2. Công trình hoàn thành sẽ góp phần làm đẹp cho vùng quê Tiên Lữ.
Ngọc Phúc - Doanh nhân Việt Nam xưa & nay