CHỊ “NGƯỢC”, TÔI XUÔI…
Tôi quen chị Đoàn Kim Vân và anh Nguyễn Duy Yên từ đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước- tính ra cũng ngót nghét 30 năm. Qua những lần hàn huyên tâm sự về chuyện đời, chuyện người- kể cả chuyện riêng tư… qua những cuộc “tửu đàm” về thi phú, văn chương… tôi ngày càng được hai anh chị tin cậy. Để rồi, bốn tập thơ in chung của cả hai người, tôi đều có ghi những dòng cảm nhận về bạn thơ – cũng là bạn tri kỷ, tri âm và lần này, chị Đoàn Kim Vân lại tuyển một tập thơ lục bát của riêng chị – in dấu ấn một quãng đời bảy mươi ba năm (tương ứng với bảy mươi ba bài trong tập) – và tôi, lại được là người “chấp bút” đề tựa.
Tôi đã từng được dạy rằng: với chị em phụ nữ thì không nên hỏi về tuổi tác! Thế mà tôi đã phạm sai lầm “lộ bí mật” về tuổi đời của tác giả Đoàn Kim Vân! Thôi thì đã “vụng chèo” thì phải “khéo chống” vậy! Tôi sẽ chống ngay bây giờ- tất nhiên là chưa chắc đã “khéo”!
Bởi lẽ thơ (và nghệ thuật), cảm xúc trong thơ (và nghệ thuật) thì làm gì có tuổi? Nàng vệ nữ trong bức tranh Vệ nữ đang ngủ của Gioóc Giôn và Tixieeng vẫn trẻ mãi, không già! Nụ hôn của đôi trai gái trong Mùa xuân vĩnh cửu của Rôđanh đâu chỉ là chuyện hôm qua… và mai sau! Thái độ e dè, ngập ngừng trong lời tỏ tình của hai anh chị Mận và Đào(ca dao cổ) vẫn hằng thường hiện hữu trong cuộc sống quanh ta! Vậy nên, khi cầm tập thơ này trên tay, chắc bạn đọc cũng sẽ không quan tâm đến tuổi đời, lý lịch, thành phần… của tác giả.
Bước vào và sống cùng thế giới ảo diệu của thơ ca, người đọc còn quên cả chính bản thân mình! Vì thế, chị muốn “ngược” nhưng tôi cứ “xuôi”- xuôi theo “dòng thời gian”, và cũng là dòng mạch cảm xúc của chị…!
Xuôi… và… xuôi…!
Con thuyền cảm nhận của tôi khởi bến với tình yêu của chị Đoàn Kim Vân khi mới bước vào tuổi thanh xuân – năm 1953. Tính tuổi theo năm tháng đã chào đời là mười bảy, tính theo “tuổi mụ” thì là mười tám. Đó là mối tình đầu (và cũng là duy nhất, suốt đời) của một cô thôn nữ yêu một chàng chiến binh (Nguyễn Duy Yên) vừa dịu dàng, đằm thắm, vừ trong sáng, hồn nhiên.
Heo may về báo thu sang
Vội đan áo rét gửi chàng phương xa
Mang theo hơi ấm quê nhà
Sợi thương, sợi nhớ gửi ra chiến trường
Áo này gói cả yêu thương
Tặng người dãi gió nằm sương ấm lòng…
(Tình hậu phương)
Thoạt đọc đoạn thơ lục bát trên – và nhất là cái tên của bài thơ – chắc có người thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm”- sẽ bắt gặp lại mội mô – típ quen thuộc trong cuộc sống và cả trong nghệ thuật về tình cảm giữa người ở tiền tuyến và người ở hậu phương. Một nét gì đó chung cho cả mật thời đoạn lịch sử! Thực ra đấy là bề nổi- bề dễ được công bố, dễ được thể hiện, và dễ được chấp nhận- bề mà các văn nghệ sĩ thời ấy thường tìm tới để biểu hiện, để thể hiện… và để quảng bá. Có thể gọi đấy là một cách thức nén nhịn theo yêu cầu của lịch sử. Còn trong đáy sâu trái tim của mỗi một người ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương thì luôn luôn thường trực một vực sâu thăm thẳm của những nỗi niềm nhớ nhung vời vợi và yêu thương đến là da diết!
Đoàn Kim Vân đã thầm nói lên lòng mình:
Mênh mang mặt nước sông dài
Một chiều xa, một mảnh trời lênh đênh
Anh ơi có thấu lòng em
Sầu riêng nén chặt bao đêm khóc thầm…
… Canh khuya ngắm cảnh sao trời!
Nghe con sóng vỗ, buồn ơi là buồn!
(Dòng sông nỗi nhớ)
Đấy là những dòng viết vào năm chẵn tròn hai mươi tuổi (1956) – sau ba năm của một tình yêu đang độ chín dậy và rạo rực khát khao.
… Nhớ thương, thương nhớ khôn nguôi
Mờ dần cảnh vật, bóng người khuất xa…
… Rồi đây vạn nẻo đường đời
Đăm đăm đôi mắt có người trông theo.
(Lưu Luyến)
Nỗi lòng ấy cứ ngỡ là riêng. Nhưng hóa ra là chung! Dường như tôi thấy trong cảm xúc ấy, có cả tôi… và phải chăng, có cả bạn?
Cứ theo cảm xúc của một mối tình chung thủy giữa cô thôn nữ và chàng chiến binh đó, ai cũng mường tượng – và cũng là cầu mong – đôi lứa sẽ sống vui trong ngày sum vầy và đoàn tụ với cái cảnh hai trái tim vàng trong túp lều tranh ở một làng quê thanh vắng…
Tôi xin chưa nói tiếp và muốn dành một vài giây phút để bạn đọc cùng lắng lại trong mường tượng (và cầu mong) về cái cảnh đầy thi vị và thơ mộng của quãng đời trung niên của chị (và của anh).
Nhưng cuộc đời chung và dòng đời riêng đâu có êm đềm, phẳng lẳng! Còn có những ngày tháng nước ngập tràn bờ, dòng sông chảy xiết! Còn có những ngày tháng nước sông cạn kiệt, trơ đáy, khô dòng… Tuổi trung niên của Đoàn Kim Vân đã phải trải qua những tháng ngày như thế! Chồng ở nơi xa, một mình, nuôi đàn con nhỏ, một mình lập nghiệp kinh doanh… Một mình!
Thuyền con rời bến ra khơi
Sóng to gió lớn, giữa trời bao la…
(Thuyền Tôi)
… Có ai thấu rõ nguồn cơn
Trời gây giông tố, thuyền con muốn chìm.
(Thuyền Tôi)
Trong những ngày tháng thăng trầm mà chị còn nhớ – nhớ mãi, nhớ hoài- chị vẫn nhận ra rằng:
Dòng đời êm ả đông vui
Thuyền tôi rồi lại ngược xuôi theo dòng
(Thuyền Tôi)
Hiểm nguy lên thác xuống ghềnh
Non cao thăm thẳm, tự mình vượt qua.
(Vượt qua định mệnh)
Tuổi đời đã in dấu ấn vào dòng cảm xúc của chị. Rõ ràng nhất là hai từ định mệnh trong tên bài thơ lần đầu tiên xuất hiện trong thơ như một bước ngoặt trong cảm thức về cuộc đời và cũng là dòng đời.
* **
Năm 1996, chị bước vào tuổi sáu mươi – và từ đây trở đi là thuộc đấng bậc cao niên. Người xưa đã từng đúc kết: ngũ thập tri thiên mệnh (tuổi năm mươi biết mệnh trời). Theo dõi con đường thơ của tác giả Đoàn Kim Vân, tôi nhận thấy chị lại “tri thiên mệnh” ở tuổi sáu mươi. Nhìn rộng ra cả xã hội, tuổi thanh xuân, và nhất là tuổi trung niên, của con người Việt Nam đã và đang được kéo dài.
Song, trời, đất và người đều vận hành theo quy luật. Những năm tháng thăng trầm, sóng gió… đã đem lại “vị đời” cho chị nếm trải… Còn từ đây, với tuổi đời sáu mươi, chị bắt đầu trải nghiệm về luật đời… Chất hồn nhiên của tuổi thanh xuân phơi phơi đã dần được thay thế bằng nét hồn hậu của người mẹ, người bà. Trong thơ của chị, đó đây xuất hiện khói sương hoài niệm, nuối tiếc…, và cũng đó đây, bảng lảng những nỗi niềm ngẫm ngợi, suy tư:
Tuổi thơ nay đã qua rồi
Tính ra đã quá nửa đời xa quê.
(Nhớ Quê)
Tôi có cảm giác như chị vừa bừng tỉnh để nhận ra rằng đã “nửa đời”… “xa quê” và cũng là xa một thời “thôn nữ”!
Cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp là thế, hùng vĩ là thế, bao la là thế…, nhưng lại kết đọng lại thành một nỗi niềm sâu kín bên trong về quy luật cuộc đời:
…Gió Đà Lạt, thổi êm êm
Cho ta sức sống tăng thêm tuổi đời
(Thành phố đồi Thông)
Và ngày càng đa cảm hơn! Qua đèo Ngang, chị viết:
… Tiều phu kiếm củi đốn cây
Mấy gian nhà trống, quán gầy bên sông
(Nhớ một bài thơ)
Tôi có cảm giác không phải là quán gầy, mà “lòng gầy”, lòng chị đang gầy thì phải?
Rời – chỉ là tạm rời, vì chị, (và anh) sẽ còn trở lại- tạm rời xứ Huế mơ mộng, chị viết:
Giã từ Huế, một chiều hè
Xa rồi nỗi nhớ, lòng se se buồn
(Nét Huế)
Trong cảnh “Xuân về trong ánh hoa đào, quất vàng kheo sắc dạt dào hương thơm” nhưng rồi với cảm xúc chị lại viết:
Nét đời đôi chút bâng khuâng
Để thương, để nhớ mỗi lần xuân qua…
(Cảm xúc ngày xuân)
Lấy trăng để “luận” việc đời”
…Trăng sao vằng vặc đêm thâu
Hạ tuần trăng lặn về đâu? Trăng tàn!
(Trăng hạ tuần)
Đã đa cảm thì cũng đa sầu:
… Buồn trông một kiếp hoa trôi
Bồng bềnh mặt nước, một trời lênh đênh
Buồn trông chiếc lá dập dềnh
Cuốn theo dòng nước biết mình về đâu?
(Hương trời)
Chị là một doanh nhân có thể nói là thành đạt, nhưng cũng không tránh khỏi có lúc rơi vào trạng thái chơi vơi và cảm hoài cùng thế sự.
Tuyến cảm xúc ấy còn được biểu hiện trong “Nỗi đời”:
Xót đời, dạ cứ nao nao
Mưa rơi trắc ẩn rót vào lòng ai?
(Nỗi đời)
Đa cảm, đa sầu… và đến độ là đa tư:
Người xưa nay ở nơi đâu?
Đền đài rêu phủ, nhuộm màu thời gian…
(Thắng cảnh Tây Hồ)
Trăm năm một kiếp con người
Nước cờ cao thấp, cuộc chơi ân tình…
(Bài thơ xuân)
Xuân đi đâu có đợi chờ
Tiếc xuân, ra ngẩn vào ngơ một mình
Xa rồi những quãng ngày xanh
Xuân nhàn, ngồi viết thơ tình gửi ai?
(Xuân nhàn)
Đường đời khúc khuỷu chênh vênh
Có đâu như thể bức tranh tô hồng…
(Sao lại cô đơn)
Những từ ngữ “sự đời”, “đường trần”, “đường đời”, “tình đời”, “biển đời”, “biển đời”, “thiên thu”, “bể dâu”,v,v… xuất hiện trong thơ Đoàn Kim Vân giai đoạn cao niên khá dày. Âu cũng là luật đời, luật của kiếp người và cũng là của từng người.
Cái chất đa cảm, đa sầu, đa tư… và còn có thể thêm: đa phương, đa chiều, đa nghĩa… Theo tôi, được kết đọng trong bốn câu thơ sau:
Có người đi nhặt hoàng hôn
Đêm về đem dệt nỗi buồn vu vơ
Có người ra ngẩn vào ngơ
Mải tìm ý một bài thơ chưa thành.
Tên bài thơ là Vu vơ – Vu vơ ư? Chẳng vu vơ chút nào! Lan tỏa như thế, lay thức như thế…, đâu phải là vu vơ!
Chớm thu 2008Nhà giáo ưu tú, Giáo sư
DƯƠNG VIẾT Á
Ảnh : Internet