17 tháng 11, 2011

Tiếng lòng


TIẾNG LÒNG GỌI NHỮNG TIẾNG LÒNG

Khi tâm hồn ùa ngập niềm vui, mắt ta rực sáng long lanh. Khi cõi lòng nặng trĩu buồn đau, tiếng thở dài khó lòng kìm giữ. Và khi yêu, trái tim sao mà ngổn ngang bộn bề đến thế! Hết bâng khuâng, xao xuyến lại hồi hộp, âu lo rồi nhớ nhung, ngóng đợi… Suy tư dồn nén, cảm xúc dâng trào, con tim thôi thúc, sóng lòng dạt dào… Nói với ai ? Tự nói với mình- độc thoại. Nói sao đây ? Vần điệu dâng sẵn, đón chờ. Câu vỗ cánh, lời cất cánh – đấy là thơ.


Hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đâu có định làm thơ!. Đây là tiếng nói từ đáy lòng sâu thẳm. Đây là tiếng thì thầm bằng ủ chín để lên men. Họ thủ thỉ với nhau thời thanh xuân; tự tình với nhau khi tình yêu kết trái; lưu luyến lúc chia tay và trĩu buồn giờ tiễn biệt. Qua hai cuộc chiến tranh và cả những năm tháng hòa bình, họ hằng nhớ nhung trong xa cách và đếm đợi phút sum vầy. Đôi lứa ấy yêu nhau tha thiết đến là da diết; yêu nhau mãnh liệt đến là cuồng nhiệt. Trao gửi cho nhau bằng gì đây ? Dòng chữ, trang thư chăng ? Chưa đủ! Và còn quá thiếu! Thế là thư thành thơ, những trang thư thành những áng thơ.


Đây là những bài thơ tình, những bản tình ca, ngay trong những bài thơ xuân hoặc ngẫu hứng thì sau những dòng, những chữ, vẫn lắng đọng- nhưng lại biểu hiện – một mối tình. Thơ của một thời đang yêu, thơ của một thời xa cách, thơ của một thời đoàn tụ; thơ thời thanh xuân tuổi trẻ, thơ thời xế bóng mãn chiều… tất cả đều có thể gói gọn trong một từ : YÊU.


Đôi lứa ấy đã chung lưng, đấu cật xây dựng gia đình chẵn bốn mươi năm (1956- 1996). Còn tuổi tình yêu chắc còn phải dài hơn nữa. Thế mà vẫn chung thủy như xưa! Thế mà vẫn son sắt tận bây giờ. Chỉ riêng mối tình vàng đá ấy đã là một bài thơ rồi !


Đã hơn mười năm nay, tôi quen biết – và quen thân – với anh Nguyễn Duy Yên và chị Đoàn Kim Vân khi đang là phụ huynh của nhạc viện Hà Nội. Qua những buổi “Trà dư, tửu hậu” mới biết thêm về những bước thăng trầm trong cuộc đời. Riêng về tình yêu thì cũng chẳng có gì éo le, li kỳ: “chàng” “phải lòng” một thôn nữ có gánh hàng xén, trộm lén gửi thư- và thơ- để tỏ tình; có lúc “nàng” đáp lời; rồi họ yêu nhau… có những năm tháng chàng mải “chiến chinh phai bạc áo phong trần”, hoặc công tác ở “nơi ấy xa vời tận cố đô”… nhưng lòng vẫn thiết tha nhắn gửi:

Gió ơi! Ta gửi cả tâm hồn
Cho người vợ trẻ những chiếc hôn
Gió đừng khua lạnh lòng ai nhé
Giữ cho em tôi giấc ngủ ngon
(Nhớ – Nguyễn Duy Yên)

Và nàng cũng nhớ nhung khôn xiết:


Đường dài trái đất mông mênh
Phố phường như cũng thấy mình chia phôi
Nhớ thương, thương nhớ khôn nguôi
Mờ dần cảnh vật, bóng người khuất xa
(Lưu Luyến – Đoàn Kim Vân)

Cùng chung số phận với cả thế hệ, “chàng” và “nàng” đã trải qua những điệp trùng xa cách, vời vợi thương nhớ… để rồi, may sao, lại có ngày vui vầy đoàn tụ:

Bão táp âu rồi cũng phải qua
Trời yên, sóng lặng, ấm tình ta
Vũ trụ bao la, cây trồi lộc
Nắng nhẹ, mây hồng, ngát hương hoa
(Giã Từ Năm Cũ – Nguyễn Duy Yên)

Để rồi chung sống bên nhau, để rồi sinh cơ lập nghiệp, để rồi toan tính mai sau… Xưa: ngổn ngang thương nhớ; nay: bề bộn riêng chung:

Em muốn nắng xuân ấm tận lòng
Lọc làn máu đỏ được thanh trong
Trăm công nghìn việc dù bệ bộn
Em vẫn hài hòa giữa riêng, chung
(Lời Thơ Tâm Sự – Đoàn Kim Vân)

Chỉ có thế – một mối tình chất phác và hồn nhiên, bình yên và dung dị. Chẳng có mưa dồn, sóng dập, cũng chẳng có bão táp, phong ba. Cứ như thế, họ yêu nhau cho tận bây giờ, khi anh sáu mươi lăm tuổi thì chị cũng bước vào ngưỡng “lục tuần”. Thế mà lại có thơ: thơ của anh và thơ của chị, thơ chuyển tới và thơ gửi đi, thơ độc thoại và thơ đối thoại, thơ cho mình – và cả cho người…


Hóa ra thơ không đòi hỏi sự ồn ào mà cần sự sâu lắng; thơ không phải để khoa trương mà nhằm bộc lộ những nỗi niềm… Thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim vân là như thế.

* * *

Quen biết từ lâu, bỗng trong một dịp “nâng ly”, “cụng chén”, anh Nguyễn Duy Yên tức hứng và độc một bài thơ vừa viết xong. Chị Đoàn Kim Vân bảo: “Lộ vở” mất rồi! Thế là tôi được đọc tập thơ của anh chị- một chồng thơ, một xấp thơ thì đúng hơn!


Tôi thẳng thắn đề xuất: nên tuyển chọn và tiến hành xuất bản – không phải để thành nhà thơ mà như một kỷ niệm, ít ra là lưu lại cho con, cho cháu, cho bạn hữu gần xa. Và phải chăng, mối tình như trong mơ mà có thực này là tấm gương sáng cho trai gái hiện đang yêu nhau?


Cả hai anh chị đều ngỡ ngàng đến mức bối rối. Anh con trai hết sức đồng tình và giành quyền quyết định việc liên hệ để in ấn tập thơ. Tôi nhận lãnh việc tuyển chọn – đúng sáu mươi bảy bài (của cả hai tác giả) nhân dịp anh Nguyễn Duy Yên tròn sáu mươi bảy tuổi. Và tôi đã đọc kỹ cả “xấp” thơ.


Không hiểu có phải vì tình thân quen mà những câu thơ, những dòng thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn kim Vân lại có sức “cộng hưởng” trong tôi, tạo nên những âm vang trong tôi đến thế chăng ?

Anh yêu cô thôn nữ có gánh hàng xén – giống hệt như tôi. Đọc những dòng:

Tôi yêu người ấy quá đi thôi
Mắt sáng đưa duyên, ngọt giọng cười
(Thôn Nữ Ơi !- Nguyễn Duy Yên)

Mà thấy đó cũng là lòng mình ba mươi tám năm về trước!
Tôi cũng đã từng “dào dạt” “sóng lòng” khi trên đường về gặp “người ấy”:

Đường chiều dài biền biệt
Trời phủ sương mênh mông
Đất phủ sương mênh mông
Dào dạt mãi sóng lòng
Trên đường về xóm cũ…
(Đường Chiều – Nguyễn Duy Yên)

Đọc những dòng:

Con thuyền xuôi bến cũ
Ninh Giang nơi chia xa
Dòng sông chia đôi ngả
Chia cả trái tim ta
(Tiếng Lòng – Nguyễn Duy Yên)

Tôi liền liên tưởng tới cái dịp hè 1958, tôi về quê “nàng” rồi tạm “chia xa”. Địa danh Ninh Giang trong thơ anh lại gợi lên trong tôi dòng sông Ngàn Phố mạn Hương Sơn- Hà Tĩnh…


Anh tỏ tình bằng thơ. Tôi cũng đã làm thơ để tỏ tình. Chị bị cuốn hút theo những dòng thơ của anh rồi cũng có những dòng thơ đáp lại:

Anh gửi tặng em tập thơ này
Đọc thơ, người tỉnh mà như say
Vội vàng cầm bút ghi lên giấy
Xin gửi tới anh nỗi vơi đầy
(Lời Thơ Tâm Sự- Đoàn Kim Vân)

Và, xin được “lộ vở” rằng, “nàng” của tôi cũng thế!
Tôi đưa cho “nàng” của tôi – bây giờ đã là bà nội, bà ngoại- đọc những dòng:

Gió chiều nhẹ thổi buồn man mác
Trông theo từng bước bóng người đi…

Trống trải lòng em khi tiễn biệt
Đường chiều in mãi bóng hình anh
(Nhắn Nhủ – Đoàn Kim Vân)

Và “nàng” của tôi đã nhắc lại cái lần tôi lên thăm “nàng” đang học ở nơi Trường Đại Học Dược Hà Nội sơ tán tận Biển Động, cách thị xã Bắc Giang bẩy mươi cây số…
Ôi, thơ đâu có phải là cao cách, kiêu kỳ ! ĐÓ là TIẾNG LÒNG. Và TIẾNG LÒNG sẽ gọi những TIẾNG LÒNG…


Thu 1996
Giáo sư- Nhà giáo ưu tú
DƯƠNG VIẾT Á
Ảnh : Internet