09 tháng 10, 2017

HỒN THƠ LƯU LẠC MIỀN LỤC BÁT

                                   HỒN THƠ LƯU LẠC MIỀN LỤC BÁT

                                                Thạc sĩ Nguyễn thị Thanh Hoà
                                                      Viện Thông tin Khoa học xã hội
                                     Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

  Có nhiều cuộc đời cháy lên bởi sự đam mê, những con người như vậy đã có được hạnh phúc trong tận cùng khát khao và thẳm sâu bản ngã của họ.Một cặp vợ chồng được biết đến với tình yêu tha thiết dành cho thi ca, đã cùng nhau trải qua nửa cuộc đời với những vần điệu, đó là Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Thật lạ, giữa dòng đời xuôi ngược bộn bề lo toan, bươn chải hay giữa cả đỉnh cao thành công, họ vẫn dành tâm hồn mình cho thơ. Và có lẽ chính thơ ca đã giúp họ yêu thương và thấu hiểu nhau hơn, như một nhịp cầu kết nối hai tâm hồn đồng điệu.
  Từng ra nhiều tập thơ chung và riêng, lần này Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân lại cùng xuất bản một tuyển tập thơ chuyên về Lục Bát mang tên “Dấu ấn một thời. Thơ Lục Bát dễ làm nhưng khó hay. Là thể thơ truyền thống của dân tộc, Lục Bát có cái dễ trong gieo vần tạo nhịp, nhưng chính như vậy mà có thể tạo sự dễ dãi trong sáng tác, và để có được một câu, một bài Lục Bát xúc tích, có chất lượng nghệ thuật thì không đơn giản. Tuy nhiên ông Duy Yên và bà Kim Vân với tình yêu dành cho thi ca nói chung và thể Lục Bát truyền thống nói riêng, đã mạnh dạn hồn nhiên đến với Lục Bát, trong nhiều bài đã thể hiện được điểm mạnh của mình với thể thơ này. Tập thơ gồm nhiều bài, hai tác giả sáng tác từ những năm 50, 60…của thế kỷ trước. Có thể nói, Lục Bát và thơ ca đã cùng ông bà trải lòng trong gần như phần lớn thời gian của đời mình.
  Tình yêu – đề tài muôn thuở của thi ca :
Giống như nhiều người làm thơ khác, dù từ lúc mới ra nhập làng thơ, nay đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, Duy Yên và Kim Vân viết nhiều về tình yêu, còn mang hơi thơ vào luồng gió mới, phản ảnh nhịp sống của thời đại. Những bài thơ tình lãng mạn của Nguyễn Duy Yên như Trao gửi cho em, Hương lòng, Tình yêu mùa hè, Dốc Lết biển tình, Nhớ bạn tình… và những bài thơ nhẹ nhàng đằm thắm viết về tình yêu của Kim Vân như: Gửi người thương,Tìm bạn đời, Có nhau, Truyền thuyết tình yêu, Dòng sông nỗi nhớ… đã tô điểm thêm cho thế giới thơ tình những bông hoa xinh đẹp. Một buổi chiều trên bến sông, người con gái ngắm nhìn “ một chiều xa anh một mảnh trời lênh đêmh” mà thấy nhói lòng với nỗi nhớ thầm kín trong tim.
                         “ Anh ơi có thấu nỗi lòng em
                          Sầu riêng nén chặt bao đêm khóc thầm
                          Tuổi xanh cùng với tháng năm
                          Lệ tình chưa đọng giọt thầm dưới mi”
                                                         02
                                               (  Dòng sông nỗi nhớ- Đoàn Kim Vân)
  Tình yêu trong thơ Kim Vân có lúc sâu nặng thầm kín như thế, có khi nhẹ nhàng bảng lảng, như nỗi nhớ thương về mối tình đầu nơi miền quê sinh trưởng.
  Ở thơ tình của Nguyễn Duy Yên lại có phần dào dạt hơn. Ông suy ngẫm về tình yêu :”Thơ là ý của tâm hồn/ Thơ là xúc cảm vui buồn có nhau” (Trao gửi cho em), “Tình yêu ai nói hết lời/ Ý lòng tràn ngập sóng đời lâng lâng” (Hương lòng); ông không che giấu sự chiếm lĩnh tình yêu trong tâm hồn mình, nên ông đã được thăng hoa trong hạnh phúc.
                             “ Em ơi tình của đôi ta
                              Như tơ lụa dệt như hoa thắm nồng…”    (Tình yêu mùa hè)
  Và ông vội vàng, như thi sĩ Xuân Diệu vội vàng yêu, giục giã người tình của mình hãy yêu đi  bởi đó là “Nguồn sống của đời”, là sức mạnh cho mình vui tươi. Mối tình nào cũng có những lúc trắc trở, cách xa nhưng đọc thơ tình Duy Yên, người đọc thấy sức mạnh của tình yêu đã khiến cho những khó khăn, cách trở không còn ý nghĩa nữa, bởi trái tim lứa đôi đã” hoà nhịp”, bởi “Vui buồn mặn nhạt chia đôi”(Chiều buông). Và ngay cả khi biết rằng đó chỉ là một “mối tình bâng quơ” cần phải quên đi, nhà thơ vẫn khiến cho người đọc hiểu rằng tình yêu mang sức mạnh không phủ nhận được :
                               “ Rối bời như mớ bong bong
                                 Gỡ sao cho thoát cái vong tương tư”  (Khúc tương tư)
  Tính triết lý phía sau những vần điệu Lục Bát
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời, giờ đây thơ của hai vợ chồng Duy Yên, Kim Vân càng trở nên giàu chất suy tư. Ngắm trăng hạ tuần, Kim Vân bỗng thấy buồn với câu hỏi tự nhiên bật lên trong lòng mình :”Trăng sao vằng vặc đêm thâu/ Hạ tuần trăng lặn về đâu? Trăng tàn”. Bà tự trả lời “Trăng tàn”. Cái chữ “tàn” nghe nhẹ tênh mà não nề, hẫng hụt. Nó nói về sự vô thường của vạn vật, giống như mảnh trăng hạ tuần kia cũng phải có lúc hết tròn đầy. Kim Vân còn có nhiều bài thơ khác thể hiện sự trăn trở, suy tư về số phận, về những nỗi niềm trần thế, như bài  Vượt qua định mệnh, Nhớ quên, Đi về đâu, Nỗi đời, Kiếp hoa Quỳnh, Tiếng chuông, Sao lại cô đơn, Hỏi mình, Chớ tham, Chọn bạn, Lời khuyên… Nhiều bài viết từ chính trải nghiệm, những bài học quý báu mà nữ nhà thơ có được trong đời. Nhiều bài thể hiện những suy ngẫm, triêt lý rât nữ tính mà trải qua nửa đời người bà mới có được, như trong bài Kiếp người ,Nụ cười, Tâm tư, Tiết kiệm, Lời thật, Gái ngoan…
  Những dòng thơ mang tính suy tư, triết lý của Duy Yên có đôi nét khác biệt với người bạn đời của mình. Rõ ràng ông tỏ ra điềm đạm hơn, thâm thuý hơn. Ngay cả khi ngẫm suy về kiếp con người, để trả lời cho câu hỏi về hỉ, nộ, ái, ố, ông chỉ

                                                                 03
buông một câu giản dị mà thấm thía : “Khổ đau hãy tự hỏi mình tại sao?” (Suy ngẫm). Chẳng phải câu nói nhà Phật “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” thật đúng đó sao? Chẳng phải con người cần phải làm chủ mọi hành vi, mọi cảm xúc của mình? Phải chăng câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất trong mọi câu chuyện nên là câu hỏi xoáy vào chính lương tri của mình?
  Nguyễn Duy Yên viết nhiều bài mang tính triết lý, như Suy ngẫm, Tự hỏi, Nhẫn, Biển đời…nhưng phần lớn triết lý ẩn vào từng câu, từng chữ trong bài,một cách thầm kín và tinh tế, như trong các bài : Nhịp thời gian, Mơ xuân, Thôi thì, Dặm đời, Trăm năm là ngắn hay dài, Đời người, Đôi điều cảm nghí, Trường ca Tản mạn chuyện đời, Mảnh đời lắp ghép… Khi chỉ là bài cảm tác trước cảnh quê tươi đẹp, lúc chỉ là một vần điệu chào xuân mới, những ẩn sâu trong từng ý tứ, lời lẽ lại là những suy ngẫm về tuổi già, về thời gian, sự vô thường của đời người, và lời khuyên nhủ con người hướng tới ánh sáng của niềm hy vọng, lạc quan. Nếu như thơ Kim Vân duyên dáng, nhẹ nhàng thì thơ Duy Yên trầm tĩnh, điềm đạm và giàu tính suy tưởng. Song cả hai đều toát lên vẻ lạc quan yêu đời, cái cảm xúc của những người đã từng trải, biết cách vươn lên ca ngợi cuộc sống này tươi đẹp biết bao. Tôi còn nhớ trong một bài viết về hai nhà thơ này, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đặt tên là “Cặp song ca hai thế kỷ” quả là một nhận xét thật chí lý (bài viết trong tập thơ Biển đời  của Duy Yên và Kim Vân).
  Tuyển tập 5.000 câu thơ Lục Bát “DẤU ẤN MỘT THỜI” của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân là tuyển tập công phu, khẳng định thơ của cặp vợ chồng này một lần nữa đã thành công cùng những tập thơ trước. Đề tài phong phú, nổi bật là tình yêu quê hương, đất nước, con người…, những vần thơ của họ đã đem lại nhiều cảm xúc cho độc giả, bên cạnh đó cũng kịp ghi dấu ấn riêng từng người về phong cách thi ca và cả những điều thẳm sâu trong trái tim, suy nghĩ của họ về thế thái nhân tình. Có thể thấy thơ ca chính là đam mê nhất của hai vợ chồng và chính nó đã khiến họ cất cánh trong bầu trời của nghệ thuật, như Duy Yên đã viết trong bài “Hồn thơ lưu lạc”:
                                              “Hồn thơ lưu lạc chơi vơi
                                                Gửi mây gửi gió giữa trời bao la”
  Đọc xong bản thảo “Dấu ấn một thời” viết tuy dễ mà để cho hay thì quá khó. Hai vợ chồng nhà thơ đã mạnh dạn dùng thể thơ Lục Bát để miêu tả tình yêu, đất nước , con người, đọc thơ thấy xuyên suốt, êm tai, có nhiều câu hay làm người đọc dễ nhập tâm.
  Tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập thơ” DẤU ẤN MỘT THỜI” mà tôi đã đọc nhiều lần, rất trong sáng và thú vị.,.

                                            Hà Nội tháng 09 năm 2017 (tháng 8 năm Đinh Dậu)
                                                      Nguyễn Thị Thanh Hoà