Ảnh Internet
Lời giới thiệu tập thơ “ DẤU ẤN MỘT
THỜI”
DẤU ẤN CỦA THỂ THƠ TRUYỀN THỐNG
TRÊN NỀN SỰ KIỆN
HÔM NAY
Nhà thơ Bằng Việt
Chủ tịch Liên hiệp HVHNT Hà nội
Khi đưa tập thơ cho tôi đọc trước khi
in, anh chị Nguyễn Duy Yên, Đoàn Kim Vân còn rất băn khoăn chưa biết nên đặt
tên cả tập thơ rất đầy đặn và nhiều tâm sự này là gì, mặc dù ở ngay trang đầu,
anh chị đã đề sẵn một dòng ghi chú đậm, coi như “ sú - tít ( sous - titre): “ 5000 câu thơ lục bát: Tình yêu - Đất nước
- Con người”. Mãi đến một tuần
sau, anh chị mới thống nhất bảo tôi: “ Chú xem. Anh chị định đặt đề cho cả tập
là Dấu ấn một thời, liệu có được
không?”. Trời ơi! Anh chị quá khiêm tốn! Cái đề ấy chính là chìa khóa hữu hiệu
vạn năng để bất cứ bạn đọc nào cũng cảm thấy hào hứng và gần gũi khi được làm
người đồng hành với các tác giả, để cùng bước vào và cùng khám phá những trang
lục bát tuy giản dị, chân thành nhưng lại rất ưu tư, đau đời của hai tác giả,
đã cùng dắt tay nhau dấn bước,vượt qua biết bao chặng đường dài, lắm từng trải
và nhiều chiêm nghiệm cho tới hôm nay!
Tính công dân của tập thơ này rất cao,
điều ấy làm mỗi người đọc đều phải kinh ngạc, nếu như ta biết được, đây là tâm
tư và cảm xúc của lớp người đã bước vào tuổi có thể sẵn sàng được quyền tiêu
dao với những thú chơi như cá vàng cây cảnh, như du ngoạn biển biếc non xanh,
hay thả hồn vào những dòng thơ thật sự nhàn tản, tĩnh tâm, thậm chí chỉ là
những dòng thơ thù tạc. Nhưng không! Điểm xuyết trong các bài thơ, chúng ta đều
thấy dấu ấn sắc nét của hiện thực đa
dạng, phong phú, đậm đặc xung quanh ta, tưởng chừng như hai tác giả nhạy cảm và
tinh tường này không hề bỏ qua một chuyện gì trong đời thường, cũng không chịu
né tránh một chuyện gì, dù phức tạp và ngang trái: Trong thơ của tác giả Nguyễn
Duy Yên, ở ngoài nước là những câu thơ ngậm ngùi cảm thán khi Liên Xô và Đông
Âu tan vỡ, là chuyện xót xa với hàng triệu dân Syrie tỵ nạn bị chìm tàu ngoài
biển khi chạy nạn tránh bọn cuồng tín IS ở Trung Đông. Ở trong nước, là chuyện
chặt cây gây bức xúc dư luận cách đây vài năm ở Hà Nội, chuyện ô nhiễm của tập
đoàn Formosa ở biển miền Trung. Rồi những nhức nhối khác trong đời thường: Nào
là chuyện vỡ ống nước sông Đà, nào là chuyện lấn chiếm vỉa hè, chuyện lãng phí
hàng trăm ngàn tỷ đầu tư không sinh lời, chuyện tham nhũng và lợi ích nhóm làm
nghèo đất nước. Cho đến những chuyện không dễ đưa vào thơ như vụ việc bắn giết nhau ở Yên Bái, chuyện hàng
rẻ tiền Trung Quốc tràn ngập thị trường, chuyện người dân Việt Nam nhậu nhẹt
bia rượu vào loại “có hạng” của thế
giới, chuyện cải tổ giáo dục theo kiểu “ ăn đong”, chuyện nợ công còn chồng
chất đến mấy đời con cháu, đến chuyện bạo hành gia đình, bạo lực học đường và cả
tệ nạn “ấu dâm”, tiếp nữa là chuyện ô nhiễm thực phẩm và chuyện cờ gian bạc lận
sát phạt nhau tràn lan, rồi chuyện “ sống thử” quan hệ bừa bãi ở các ký túc xá
công nhân và sinh viên trên cả nước, cho tới cả chuyện “ bún chửi” ồn ào trên
báo nước ngoài ở chợ Ngô Sỹ Liên Hà Nội, thậm chí chuyện về trận bóng đá kỳ
quặc ở Long An, thủ môn quay hẳn lưng lại không thèm bắt bóng để phản đối trọng
tài! Thật là một bức tranh toàn cảnh, muôn màu muôn vẻ “ hỉ, nộ , ái ố” về “
Tấn trò đời” ở Việt Nam hôm nay, mà tác giả Nguyễn Duy Yên khéo léo xâu chuỗi
lại và làm bật lên những nghịch cảnh, những phi lý, khiến người đọc vừa xót xa
vừa đồng cảm !
Đến thơ của tác giả Đoàn Kim Vân thì lại
tập trung vào những chi tiết hoàn toàn khác. Chị đã đưa vào thơ các đường nét
đẹp đẽ từ ngôi chùa Việt của sư thầy Huyền Diệu ở mãi tận Nê pan, với đôi chim
hồng hạc bay về đậu ngay tận nơi đất Phật. Chị cảm thông và chia sẻ với những
người vợ chờ chồng đến nỗi hóa thành đá Vọng phu, từ những thời loạn lạc xa xưa
– chuyện phổ biến với phụ nữ Việt Nam trên giải đất đã trải qua mấy nghìn năm
chống giặc và giữ nước. Chị cảm thán với tấm gương của bà Ba Định, nữ tướng
thời đại chống Mỹ tiếp nối dòng dõi Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Chị ghi nhớ cả tấm
gương liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với tập nhật ký làm xúc động hàng triệu bạn bè
quốc tế. Và chị còn có dịp dừng chân tại Quảng Châu, thắp nén hương trước mộ
liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã làm bọn thực dân Pháp kinh hoàng với tiếng bom
ở Sa Điện lừng lẫy một thời! Cho đến hương hồn của 10 cô gái ngã xuống ở Ngã ba
Đồng Lộc, chị cũng dành những lời đẹp đẽ nhất để ca ngợi mười “ Đóa hoa bất tử”
của dân tộc. Có thể nói, tác giả Đoàn Kim Vân luôn luôn biết trân trọng và
thành kính hướng tới mọi vẻ đẹp vĩnh hằng của những tâm hồn cao thượng, đề cập
đến mọi giá trị bất diệt của những phẩm chất hướng thiện, dám hy sinh hết thảy vì
chân lý, vì quyền sống của dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước. Không hề trùng
lặp với những ý tứ và xúc cảm như người bạn đời Nguyễn Duy Yên,- luôn trăn trở
vì những điều bất cập của “Tấn trò đời”-, Đoàn Kim Vân lại có một cách tiếp cận
riêng với đời sống hiện thực, đó là luôn luôn vươn tới những phạm trù thiêng
liêng, trong trẻo, có tác động nâng đôi cánh ta bay cao lên cho tâm hồn tỏa
sáng và lan tỏa đến mỗi chúng ta lòng yêu đời và yêu con người, vun đắp cho mỗi
chúng ta những phẩm chất trên đây một cách vững bền, cao thượng. Thực sự là cả hai
Anh Chị đã biết cùng nhau kết nối hài hòa và bù đắp cho nhau, “kẻ xướng người
tùy”, thực sự ăn ý và cân bằng, vớí chủ ý là chỉ sử dụng một thể thơ dân gian truyền
thống, để cùng nhau tạo nên cho chúng ta một bản hòa âm trong trẻo, tuy giản dị
và có lúc môc mạc, nhưng lại phong phú, đa dạng, ăn ý với nhau và rất hiểu
nhau, ngay từ đề tài đến phong cách thể hiện, mà tất cả chỉ tận dụng thế mạnh
của một lối diễn đạt lục bát thân quen.
Tôi nhớ trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh có nhận xét rằng:
Năm nào ta cũng được ăn cơm mới, dù cũng vẫn là đất cũ, gạo cũ, cùng
với người cũ cấy trồng ấy thôi! Với thơ lục bát, tất nhiên là thể thơ rất cũ đã
hàng nghìn đời rồi và cảnh, tình trong thơ ấy cũng có thể là nay mà cũng có thể là xưa…Nhưng vẫn chỉ
với những dòng 6-8 như vậy, làm thế nào để người yêu thơ thưởng thức thấy rằng,
đấy vẫn là cơm mới? Quả thực, hai tác
giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã làm chúng ta bất ngờ, khi dám “ trình
làng” một lúc cả 5000 câu thơ lục bát, mà ta có thể đọc liền mạch không mệt, không bị rơi vào một cảm
quan tầm thường, đơn điệu, hoặc nặng nề, chừng đó đã đủ là thành công rất đáng
ghi nhận của tập thơ “song đôi” độc đáo, đầy gắn bó này của hai tác giả!
Khi nhà thơ Nguyễn Duy Yên viết bài:
Thi gan cùng với đất trời
Dãi dầu mưa nắng vẫn tươi
lá cành
Ủ lòng nhựa trắng da xanh
Bốn mùa hoa nở thân mình
đầy gai.
( Vịnh cây xương
rồng)
Thì cũng là mượn cây để nói người, mà
cái “ủ lòng” ấy cũng khó có thể dùng khái niệm “cũ hay mới” mà luận được, mà
phải xuất phát từ cái tình và cái tâm của tác giả. Vậy là, lục bát vẫn phải lấy
tình sinh hứng để vận ra, để tỏ bày. Hoặc có lúc chỉ là một Bến xưa: “Có người thơ thẩn biết là về đâu?” mà ngẫu nhiên cũng làm ta bâng
khuâng đến vậy! Ta thử gọi Xuân ơi
cùng tác giả: “Thôi thì xuân đã về đây/
Đừng đi ở lại cho khuây lòng trần”. Lại có lúc, hòa theo tác giả, lòng ta cùng
Thơ thẩn: “Trời buồn trời đổ cơn mưa/ Tôi buồn ngồi viết bài thơ tự tình/ Gửi ai,
ai biết đến mình/ Ngập ngừng xóa sạch không thành bài thơ!” Hay còn là một
chút ngẩn ngơ vương vấn: “Chiều nay lấm
tấm mưa rơi/ Trang thơ không tải nổi lời yêu em!”Quả là chất thi sĩ!… Mới biết nhà thơ Chế Lan Viên thật hóm
hỉnh mà có lý khi đặt ra trên đời có một “giống
thi nhân” khác với người thường! Nguyễn Duy Yên cũng dám đặt hẳn cho mình
tư cách ấy. Trong Là thi nhân, ông viết: “Sang
giàu đã chắc gì đâu/ Mà đem so sánh với đầu thi nhân”. Lý lẽ giản dị nhưng
tự tin, dám tự hào vì những giá trị tinh thần vô giá của “ thi nhân”, mà của cải
vật chất dù giàu sang đến mấy cũng không dễ gì đem lại.
Đã là giống thi nhân thì chắc chắn Nguyễn Duy Yên phải yêu, phải lỡ, lại phải
ngậm ngùi vì nhiều nỗi niềm thế sự. Khi nhà thơ hỏi: “Cuộc đời chẳng lẽ tay không ra về”(Khơi nguồn), rồi ông xem lại: “Già ngồi tính sổ giật mình xót xa” (Nỗi
lòng), thì ta cũng có phần ái ngại cho cái cách tính sổ tỉ mẩn đó, nhưng rồi đến
lượt ta, ta cũng lại phải giật mình với cái xót xa của ông, vì nghĩ lại, chính
cuộc đời ta nào cũng có khác gì thế đâu? Hay chỗ khác, ở bài Đêm trăng sáng: “Tơ lòng chia
sẻ cùng ai?” rồi:“Tuổi xuân hỏi được
mấy thì?”, sang bài Chiều buông:
“ Chiều nay lấm tấm mưa rơi/ Trang thơ
không tải nổi lời yêu em”, ta càng thông cảm thêm với nhà thơ giàu tâm sự
cảm thán này. Ta còn gặp lại tâm sự ấy trong bài Man mác xuân: “Đường về man
mác, đường xa nỗi mình”, hay bài Lặng
lẽ xuân: “ Thời gian lặng lẽ trôi mau/ Dại khôn, khôn dại, qua cầu mới hay!”
hoặc bài Bâng khuâng xuân: “Trăm năm như
thể tấc gang/ Đời người như chuyến đò ngang sớm chiều!”… Phải trải lắm cuộc
đời mới có nổi những câu thơ như vậy.
Khi đi giữa kinh
đô Huế đượm lắm màu lắm sắc cổ kính trang nghiêm, thế mà khi nói về chợ Đông
Ba, chốn xô bồ nhất ở kinh đô, nhà thơ vẫn rộng lòng hạ câu khen bất ngờ: “ Chợ Đông Ba khá đông người /Cũng thơ mộng lắm, giữa đời hào hoa”
(Thăm Huế ngày xuân)… Quả là lục bát đôi khi cũng cần một chút tinh nghịch là thế,
nó gieo vào lòng ta chút sắc thái mới, lại ẩn nụ cười mỉm hóm hỉnh tinh ranh của
tác giả. Còn cái ranh giới mong manh trong bài Đêm trừ tịch: “Chỉ còn có nửa
đêm nay/ Nửa đêm sau đã sang ngày đầu xuân” thì ta có thể cảm nhận trực
giác được ngay điều nhà thơ muốn nói, khi rất rành rẽ và cụ thể chia đêm thành
hai nửa, nhưng lại tiềm ẩn những điều không nói,vừa nuối tiếc cái cũ, vừa phấp
phỏng cái mới, mà không cần liệt kê tận cùng ra những điều ấy là gì, trong cái
khoảnh khắc đan xen nhau, chứa đầy mọi cảm thức mơ hồ. Cảm nhận hư hư thực thực
kiểu như vậy còn được tác giả nuôi dưỡng tiếp trong bài Nhớ bạn tình: “ Ngoài trời
chợt đổ cơn mưa/ Tỉnh ra mới biết mình vừa chiêm bao”. Ta còn gặp những câu
thơ nặng một nỗi buồn nhân thế khác nữa, ví dụ như trong bài Vui đi kẻo lỡ xuân tàn: “Bạn bè được mấy tri ân/ Người thân còn được mấy lần gặp nhau” hoặc
trong bài Trăm năm là ngắn hay dài: “Nổi chìm chiếc bóng cô đơn/ Phong trần một
kiếp tủi hờn vì ai?/ Trăm năm là ngắn hay dài/ Nửa chừng xuân đã ra người đời
xưa”. Nhưng nói vậy mà không hẳn vậy, vì tác giả không chỉ thích đăm đắm
một nỗi niềm hoài cổ hay luyến tiếc quá khứ, lại cũng không hề là kiểu người bi
lụy, bi quan khi nhìn đời. Khi đúc kết lại triết lý nhân sinh, tác giả vẫn tìm
ra được cái lý để rồi biết tự an ủi mình, như: “Non cao còn có sông dài/ Trăng tà còn có sao mai cuối trời” (Tình
trường), hay “ Xuân tàn mà vẫn không tan/
Hòa cùng vạn vật muôn vàn năm sau!”( Xuân bất tái lai)…
Khi tác giả Nguyễn Duy Yên nói về một mảnh tình riêng với quê nhà, mộc mạc,
cụ thể, thì ông có những câu đặc tả tinh tế, thú vị như cách cảm của một lão
nông: “Say trong khói thuốc mơ màng/ Bát chè xanh ánh trăng vàng trời quê”
(Mùa về). Nhưng khi đặt mình vào tâm trạng của một con người nghiên bút tài
hoa, cảm thán trước mênh mang trời nước, trước một cuộc hành trình vô định, thì
giọng thơ của tác giả lại khác hoàn toàn, nó đã ra khỏi cảm quan cụ thể, mà
bước vào thế giới tư duy trừu tượng có phần siêu hình: “ Chênh vênh như một nhịp cầu/ Cô đơn như một con tàu ra khơi/ Tình em như nhạc không lời/Viển vông như cả một
trời ước mơ”. Hay ở một bài khác, khi nói về cái đích thế giới đại
đồng xem ra còn xa xôi ngút ngàn sương khói, giọng thơ cảm thán của tác giả dù
kín đáo, nhưng vẫn vời vợi một nỗi ngậm ngùi tiếc nuối, cao sang mà có phần
siêu thoát: “ Tiếc làm chi, tiếc làm gì/
Thời gian lặng lẽ trôi đi chẳng
ngừng/ Những mong thế giới đại đồng/ Giấc mơ huyền ảo mênh mông nỗi buồn/ Ngựa phi mỏi gối chân chồn/ Đường đi tới đích
xem còn xa xa…” Để rồi, nhà thơ lặng lẽ kết thúc bài bằng một nét cười mỉm,
vừa có vẻ hồn nhiên như tự diễu cợt mình, vừa đầy bâng khuâng trải nghiệm: “ Bâng khuâng xuân đến càng yêu/ Ngỡ mình
còn bé tẻo tèo teo năm nào!”. Bút lực của nhà thơ Nguyễn Duy Yên có thể nói
là đa thanh, đa dạng. Ông biết đưa từng tâm trạng khác nhau và có khi rất xa
nhau vào cùng một âm hưởng của dòng thơ lục bát và có thể nói, ông đã thung
thăng bay nhảy cũng như tự tin xuôi ngược trong dòng thơ này một cách phóng
khoáng và năng động.
Tiếp nối phần thứ hai của tập “ Dấu ấn
một thời”, ta hãy tiếp tục chuyển sang những câu thơ hồn hậu và đầy nữ tính
trong thơ lục bát với người bạn đời của tác giả Nguyễn Duy Yên là nhà thơ Đoàn Kim Vân. Ở chị, điểm trước tiên cần ghi
nhận là chị đã cho ta bắt gặp được một điển hình của người phụ nữ Việt Nam vẫn
giữ được khuôn giáo nề nếp của người đất Thăng Long – Hà Nội xưa. Rất nhiều bài
đề cập đến chủ đề này. Ở bài Sửa mình,
thì: “Muốn hay phải biết sửa mình/ Đừng kiêu ngạo quá mà sinh hợm đời/ Thả mình vào chốn ăn chơi/ Để rồi bỏ phí một
thời xuân xanh”. Ở bài Chớ tham, thì: “ Tham lam rước họa vào thân/ Ở sao có đức
có nhân mới là/ Người khôn ăn nói thật thà/ Thấy của phi nghĩa tránh xa chớ
màng!”. Ở bài Chọn bạn, thì: “Tìm người kết bạn mà chơi/ Học gương đạo
đức tình người nghĩa nhân/ Tránh xa chớ có nên gần/ Tà gian xấu bụng, thiệt
thân khó lường”. Rồi đến lý tưởng sống một đời cũng được chị đề cập một
cách nhẹ nhàng mà sâu sắc trong bài Còn
gì: “Sống vô ích sống làm gì/ Danh thơm để lại ra đi yên lòng/ Bàn tay sạch
trắng như bông/ Cỏ xanh áo phủ giấc nồng ngàn thu…”
Thơ Đoàn Kim Vân có cái day dứt, nhưng
là cái day dứt dịu dàng và kiên định: “Nhớ con sông nhớ những chiều/ Con đê vắng mấy xóm nghèo bên sông/ Ăn quả nhớ đến người trồng/ Lớn lên bởi có tấm lòng quê hương” (Hồn
quê). Hay: “Hồi chuông lay động đất trời/
Giật mình cảnh tỉnh nỗi đời xót xa/ Bổng trầm thánh thót ngân nga/ Như lời nhắc nhở liệu mà tu thân!” (
Tiếng chuông). Là một người sáng tác, chị có cái day dứt đáng yêu của một người
vất vả vì ngôn từ, đo đắn để tìm ra một tứ thơ hay, một chữ tài hoa đặt đúng
chỗ. Cái ngẩn ngơ vì sáng tạo ấy đã được chị diễn tả trong nhiều bài, như Thao thức: “Câu thơ thức dậy trong tôi/ Ghi vào để nhớ lỡ rồi lại quên/
Đã từng thao thức bao đêm/ Tứ thơ lẩn quất mãi tìm chẳng ra!”. Hay trong
bài Vu vơ: “Có người đi nhặt hoàng hôn/ Đêm về đem dệt nỗi buồn vu vơ/ Có người
ra ngẩn vào ngơ/ Mải tìm ý một bài thơ
chưa thành!”. Hoặc nỗi tiếc nuối sợ tứ thơ của Chiều mơ dở dang bay mất: “Bài
thơ mới viết nửa chừng/ Giấc mơ chiều mãi xin đừng qua đi/”. Vất vả như vậy, nhưng chỉ là vì thú vui
tao nhã của tâm hồn, nên tác giả vẫn yên tâm, lòng tự nhủ lòng:“Nợ văn chương mối tình đầu/ Bốn mùa qua vẫn
nguyên màu thời gian”(Thơ), hoặc: “Lòng
còn gửi lại chút này/ Tình thơ lai láng mà say hương đời/ Trăm năm ra khỏi cõi
người/ Tâm hồn tôi vẫn sáng ngời niềm tin”( Tâm hồn tôi). Vì đã có một thú vui tinh thần cao đẹp làm chỗ tựa cho tâm hồn mình, nên cả
trong suy nghĩ, hay luận về danh lợi phù du ở đời, chị cũng chỉ nói vừa đủ: “Cái gì đạt tới đỉnh cao/ Tai ương sẽ đến vận
vào mình thôi/ Duyên kia chỉ có một thời/ Hiểu nhiều biết lắm để rồi dại khôn”
(Ngẫm); “Lợi danh như thể phù du/ Hãy nên thêm bạn bớt thù là hơn/ Biển đời sóng
gió nguồn cơn/ Mai ngày về đất hỏi còn gì đâu” (Nghĩ); “Tham lam rước họa vào thân/ Ở
sao có đức có nhân mới là/ Người khôn ăn
nói thật thà/ Thấy của phi nghĩa tránh
xa chớ màng” (Chớ tham). Trong một
xã hội đang có nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, những bài thơ ngắn gọn của
Đoàn Kim Vân có thể coi như những lời cảnh tỉnh giàu ý nghĩa.
Đặc biệt, chị rất chú ý đến tu tâm dưỡng
tính mà chị một đời mình đã thực hành. Chị tiếc thời gian lắm: “Thời
gian quý trọng hơn vàng/ Để trôi đi mất thở than ích gì/ Xuân đời lặng lẽ trôi
đi/ Ngày xanh bỏ phí tiếc thì đã qua”
(Lập thân); Có rất nhiều người chỉ thích đi theo con đường vạch sẵn. Nhà thơ
Đoàn Kim Vân đã tìm đường thơ cho mình rồi, chị lại còn khuyến khích sự năng
động, không chấp nhận thụ động trong việc đời nói chung nữa, điều mà hôm nay
chúng ta đang khuyến khích lớp trẻ “khởi nghiệp”: “Thắp
lên ngọn lửa niềm tin/ Lòng không giới hạn trăm nghìn ước mơ/ Đừng bao giờ để
bất ngờ/ Đời luôn năng động chớ chờ đợi mong” (Niềm tin). Cái triết lý mạnh
mẽ và chủ động “ Thân lập thân” ấy đã
được nhà thơ Đoàn Kim Vân tu chí và thành công một đời, từ tay trắng. chị đã
không dấu diếm nói ra cái “bí quyết” chân chỉ ấy trong bài Mở đường: “Mở đường với túp
lều tranh/ Gắng công xây dựng trở thành giàu sang”. Đây không chỉ còn là thơ,
nó cũng là bài học cho lớp trẻ muốn “khởi nghiệp” từ tay trắng hôm nay.
Những bài Đoàn Kim Vân viết về tình quê,
nỗi nhớ quê, giọng thơ không sôi nổi, mà lắng đọng nỗi buồn một thời đã qua, có
những câu lặng lẽ mà làm ta nao lòng: “Con
sông xưa chảy âm thầm/ Chợ làng ta họp mỗi tuần mấy phiên?”(Tiếng quê
hương). Hay:“Giật mình ngày tháng qua
mau/ Nghe con sóng vỗ nỗi sầu riêng tư”
(Bến cũ tình quê). Đoàn Kim Vân mang nặng tình quê và hay hoài niệm về tuổi thơ
ở quê nhà, vì chị vẫn có cái bùi ngùi, dù lớn lên và đã thành đạt trong đời, nhưng vẫn
có cái tâm trạng luôn “ngộ” ra thân phận nổi chìm, phiêu bồng, phù du, theo
quan niệm của nhà Phật: “Con thuyền định
mệnh hư không/ người đi đãi cát ở trong biển đời/ Dấu chân khắp nẻo muôn nơi/
Tấm thân phiêu bạt một trời lênh đênh!”. Đấy là cái lõi để mình tự giác ngộ
ra thân phận mình, từ đó, có cách sống và xử thế đúng đắn, nghĩa tình. Chính vì
đã “ ngộ” ra bản thân mình trong cuộc sống, nên Đoàn Kim Vân rất biết chiu chắt
từng nét đẹp nhỏ trong đời và trong thiên nhiên, càng nhạy cảm hơn và “thi sĩ”
hơn trong từng biểu cảm của đời thường:
Đây là một chút xao lòng trong Gió giao mùa: “Ô kìa lá rụng ngoài sân/ Vài bông cúc nở muộn mằn cuối thu/ Lạnh đông sương muối, sương mù/ Để người luyến tiếc lời ru giao mùa”. Cái
tiếc nuối tinh tế và trong trẻo ấy làm ta biết nâng niu và nhạy cảm hơn với
từng biến diễn của thời gian, của sự vật quanh mình.
Nguyễn Duy Yên và
Đoàn Kim Vân đều có các bài thơ nhắc về các bậc văn nghệ sĩ tài danh của đất
nước qua nhiều thời, như nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Tú Xương, nữ sĩ Ngân
Giang, nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…, với tấm lòng “lân tài” và
cảm mến, gợi ra thêm nhiều điểm tương đồng và phản chiếu lẫn nhau trong các tâm
hồn đồng điệu qua nhiều thời. Đặc biệt, cả hai Anh Chị đều có bài viết về thi
hào Nguyễn Du và Truyện Kiều với nhiều cảm thông và tâm đắc, với ý nghĩ chung
rằng thơ hay như Nguyễn Du là thứ thơ động đến tận đất trời, mà không chỉ một thời,
mà sẽ còn lưu mãi ngàn đời. Hơn 3000 câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đủ là
một kỳ tích để chứng minh và làm sáng tỏ hơn bao giờ hết luận điểm đó trong
lịch sử văn học nước ta.
Tôi cũng xin chúc
cho 5000 câu lục bát của Anh Chị Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân sẽ còn đọng lại
trong tâm thức người yêu thơ Việt, ghi lại dấu ấn nỗ lực của hai nhà thơ trong
thể thơ lục bát truyền thống, muốn đem thơ lục bát đối mặt với các sự kiện thời
sự của ngày hôm nay và muốn chứng minh sức sống trường tồn của thơ lục bát qua
mọi thời đại. Tôi muốn dẫn một câu Kiều để ghi nhận lại sự nỗ lực của hai nhà
thơ: “ Mỗi người một vẻ, mười phân (sẽ) vẹn mười!” Xin chúc mừng hai Anh Chị
với tập thơ lục bát hoành tráng “Dấu ấn
một thời” và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Nhà thơ BẰNG VIỆT.
(Tháng
Tám, 2017).