17 tháng 11, 2011

Chân trời mới

Hai tác giả tập thơ này vốn là bộ đội, cán bộ từ thời kháng chiến chống Pháp. Họ cũng yêu thơ từ hồi ấy. Thời trẻ họ cũng đã từng dùng thơ ghi lại tâm sự của chính mình, ghi lại rất tài tử và thơ cứ nằm yên trong sổ tay như một thứ nhật ký. Những năm gần đây, ấn loát dễ dàng, họ mới in ra, tặng bạn bè bà con thân thuộc. Người được tặng, đọc thơ có cái thú vị phát hiện thêm một khía cạnh tâm hồn kín đáo, mới mẻ, sâu sắc hơn những gì mình đã viết về họ. Thơ, dù mộc mạc thô sơ cũng đã giúp con người xích lại với nhau hơn, trân trọng hơn những nỗi niềm, những cảnh ngộ của đời nhau. Các câu lạc bộ thơ hiện nay phát triển khắp nơi tạo một thứ chơi tao nhã, tập hợp được nhiều bậc cao niên, những người đã có một vốn sống phong phú, nhiều từng trải và cần ký thác.

Bà Đoàn Kim Vân làm thơ khá hồn nhiên. Nơi nào bà đến thăm bà đều có thơ. Ngắm cảnh mà sinh tình. Tình với thiên nhiên, với đất nước, với các sự tích lịch sử, sự tích cách mạng, với hội hè, với bạn bè, con cháu…

Thậm chí xem bộ phim truyền hình nhiều tập của Braxin bà cũng có thơ theo kiểu vịnh nhân vật. Từ hoa Ti gôn bà nhớ tới nhân vật bi kịch cổ đại Angtigon, thế là thành một bài thơ. Bà thích viết theo các thể thơ truyền thống: lục bát, thất ngôn. Bà viết để giãi bày tình cảm, bài thơ cảm động ở câu, không quan tâm lắm đến khái quát, đến hàm súc, cũng không câu nệ lập tứ cho bài thơ. Với hiện thực bên ngoài, bà ca ngợi và tạ ơn, ơn người, ơn trời đất. Với cảm xúc nội tâm bà trực tiếp bộc lộ. Hình ảnh và nhịp điệu quen thuộc, nội dung phần nào đã định hình trong quan niệm xã hội, trong thói quen thưởng thức phổ cập. bài thơ êm thuận, không phải vận dụng đến kỹ xảo hay tu từ phức tạp. Thơ bà dễ thân như một người dễ tính, không hay tranh luận, lý sự. Với Hồ tây:

Rập rờn sóng nước Hồ Tây

Mái chèo vỗ nhịp nước mây quyện trời

Với sông Hương:

Về đây sóng nước Hương Giang

Câu ca xứ Huế xốn xang lòng người

Vào bài như thế thì cũng dễ quen tay. Có lẽ tác giả cũng đã cảm thấy, nên đôi khi bà biết bám vào hiện thực, lấy chi tiết cụ thể, khoảnh khắc của đời làm sinh động cho thơ, bài nhớ Sa Pa:

Thấp thoáng sườn non cô gái Mông

Chăn đàn dê nhỏ giữa rừng thông

Vai địu con thơ tay hái nấm

Đây là một kinh nghiệm hay, bà Đoàn Kim Vân nên thường xuyên vận dụng. Cuộc đời vốn biến hóa và nhiều bất ngờ, dùng nó làm chất liệu cho thơ thì thơ tránh được mòn sáo, ước lệ.

Đây là một tập thơ chung của một cặp vợ chống đã vào tuổi giai lão, tuổi lão đẹp. Khen chê không nên tách bạch, trong giao tiếp người đời có thưa chung hai cụ. Hai cụ viết thế này là khéo, hai cụ viết thế kia là được. Tôi cũng định làm vậy, nhưng lại thấy mình như người ngại việc trước lòng mong muốn của hai tác giả. Nên cứ phải nói tách ra. Thơ là tính tình, chả ai hoàn toàn giống ai. Vợ chồng có khi lại càng khác. Có khác mới bổ sung cho nhau, mới phong phú.

Nếu bà Đoàn Kim Vân viết hồn nhiên, tự nhiên, thì ông Nguyễn Duy Yên có lao động hơn ở bút pháp và có nghĩ ngợi hơn ở nội dung. Bài thơ có sức nặng của chủ đề – nhưng cũng phải coi chừng cái nặng nề như đọc văn xã luận (thí dụ bài Chân Trời Mới ). Thơ ông cũng còn tả cành tả cảnh nhiều nhưng đã có chủ ý. Gợi một chiều mưa rừng biên giới ông vận dụng nhiều dư ba của vần bằng và không gian xa rộng để gợi tâm trạng buồn nhớ.

Hoàng hôn đi vội mây ngàn trôi

Nhớ lắm người thương tận cuối trời

Thăm nghĩa trang, nơi yên nghỉ của bao đồng đội cũ, người viết cao niên này bên cạnh nỗi đau sinh tử đã tạo được những nghĩ ngợi xa hơn, sâu hơn một bài thơ biết ơn liệt sĩ ở chỗ ông cảm nhận được năm tháng đời người. Trong nghĩa trang nhưng cảm nhận thuộc về đời sống đanh hiện hữu, về những dâu bể một đời người đã trải. Ở khổ đầu bài thơ: Lính già rơi lệ, mắt mờ khô. Và ở khổ cuối: Tóc đã chuyển màu gậy chống tay. Trong bài thơ Thao thức, người làm thơ cựu chiến binh này đã chạm tới cõi bí ẩn tâm linh của người ưa chiêm nghiệm:


Vũ trụ mênh mông quá

Thế giới ảo là đâu

Muôn vàn điều huyền bí

Dấu kín trong lòng sâu.

Có lúc Nguyễn Duy Yên đã thâm thúy cảm nhận thời gian cụ thể của đời mình:

Thời gian lặng lẽ trôi nhanh quá

Và:

Bình minh sao nỡ vội hoàng hôn.

Đó là cảm nhận của muôn đời thơ phú. Đã ở tuổi hưu ông càng thấm thía, một lần về dự hội trường, ông có nỗi thảng thốt ngậm ngùi, câu thơ chới với như vịn vào chiêm bao:

Bạn bè đâu cà bóng hình xa xôi

Nhưng là người đương thời, Nguyễn Duy có vấn đề của đương thời, ông là một nhà doanh nghiệp thì phải làm ra tiền, phải thực tế, thực dụng, tôi quý những khoảnh khắc ông nghĩ ngợi:

Vì đời bận rộn cuộc đua chen

(…) Chẳng lẽ đem thơ đọ với tiền.

Ông có thơ mừng người bạn chiến đấu cũ, tám mươi tuổi, được cấp nhà, mừng bạn làm đám cưới vàng, năm mươi năm vợ chồng tình nghĩa… Nguyễn Duy Yên để tâm nhiều tới niềm vui tinh thần. Đùa với cháu, ông bâng khuâng trong tâm trí, bâng khuâng cho cháu Thời gian dần xóa tuổi thơ ngây. Bâng khuâng cho ông Ông sẽ ra đi có một ngày. Đấy là nỗi bâng khuâng của lòng yêu đời, của người biết nhận ra cái hạnh phúc trần thế giản dị mà sâu nặng lắm. Tôi đoán hồi trẻ Nguyễn Duy Yên cũng hô hấp vào mình khí quyển thơ của thời Thơ Mới. Một bài thơ tiễn đưa viết năm 1973 có phong vị lưu luyến Nguyễn Bính, Tế Hanh của thời ấy:

Còi tàu giục giã nhả khói bay

Bàn tay vẫy gọi những bàn tay

Con tàu mang nặng bao thương nhớ

Ga lặng lẽ buồn trong phút giây

Một bài thơ xuân viết năm 1974, có nỗi chạnh lòng của một nỗi niềm cá thể hay gặp trong thơ 30 – 45:

Thương con chim lạc bạn

Thương đứa trẻ mồ côi

Giữa đời đầy giông tố

Cô quạnh một mình tôi

Nguyễn Duy Yên quả đã có một cách nghĩ, cách cảm mang tính thơ. Chỉ tiếc ông đến với thơ hơi muộn. Nghề thơ cũng lắm công phu, nếu được theo thơ liên tục từ khi còn trẻ, có điều kiện tu luyện nghệ thuật, chắc ông cũng có phần đóng góp riêng vào một thời thơ với tư cách nhà thơ.

Hà Nội, 24-11-2002

Vũ Quần Phương.

Ảnh : Internet