17 tháng 11, 2011

Dặm đời

LẦN THEO NHỮNG “DẶM ĐỜI”

Nên gọi tác giả của tập thơ này như thế nào đây? Là anh, là chị ư? Nghe chừng hơi khách khí ! Là ông, là bà ư ? Nghe như ngôn ngữ xã giao! Có lẽ cứ theo cách gọi của làng văn với chỉ tên và họ Đoàn Kim Vân –Nguyễn Duy Yên.


Ngẫm nghĩ thêm, càng thấy đúng, Bởi lẽ, Đoàn Kim Vân đã từng làm thơ từ thời con gái, độ tuổi lẻ trăng tròn, khi trái tim bắt đầu dồn gấp nhịp trước đôi mắt của chàng trai lính chiến; Nguyễn Duy Yên cũng đã từng gửi bao nỗi niềm xao xuyến đến cô “thôn nữ” qua chữ, qua câu… Thư đi, thư về- những bức thư viết bằng thơ, hay mỗi bức thư là một bài thơ rồi. Thư ngỏ ý – thơ tỏ tình. Thư ước hẹn – thơ giao duyên… Tình thương mẹ, đạo làm cha, nghĩa vợ chồng… đã thành thơ. Thơ của một thời thanh xuân, tuổi trẻ: tươi rói. Thơ của một thời gây dựng tổ ấm gia đình: lắng dịu. Thơ của những ngày gian truân, khốn khó: ưu tư. Thơ của những phút thư thái, thanh nhàn: xa xôi, man mác… Để rồi giờ đây, theo cách nói của phương Đông, sau một vòng đời có lẻ, cả hai tác giả vẫn gói gửi tâm tình sâu nặng, suy ngẫm đường đời… qua điệu, qua vần.
Và đã là tâm tình thì tươi xanh mãi mãi. Đã là suy ngẫm thì chỉ có độ chín mà chẳng bao giờ già.
Đã từng mượt mà xanh hơn bốn mươi năm về trước:

Mưa thu phủ ướt mấy tàu tiêu
Rặng núi xa xa ẩn bóng chiều
Mấy vầng mây bạc trôi theo gió
Sóng nhẹ ru êm vỗ cánh bèo
(Thu cảm- Đoàn Kim Vân)

Gió ơi, ta gửi cả tâm hồn
Cho người vợ trẻ những chiếc hôn
Gió đừng khua lạnh lòng ai nhé
Giữ cho em tôi giấc ngủ ngon
(Nhớ – Nguyễn Duy Yên)

Vẫn mênh mang xanh – như đã hằng xanh – khi vào trạc tuổi ngoại tứ tuần:

Lối xưa, đường cũ đi về
Bạn bè đâu cả ? Hồn quê nặng tình
(Nhớ quê- Đoàn Kim Vân)
Quán nghèo, bến lạnh, cô đơn
Tình sông , bến nước, ngọn nguồn ai hay ?
(Tình bến- Nguyễn Duy Yên)

Càng thăm thẳm xanh- như đã hằng xanh – khi cùng đàn cháu nhỏ ngắm biển, núi, mây, trời…

Chợt gặp thu sang giữa trưa hè
Nắng mai sưởi ấm giọt sương khuya
Gió vén rèm mây, trời xanh thẳm
Hờ hững mây trôi gọi chiều về
(Đà Lạt trong tôi- Đoàn Kim Vân)
Khuya khoắt nhà ai vắng ánh đèn
Trăng luồn khe cửa chẳng cài then
Xóm nghèo tĩnh mịch, đơn sơ quá
Ôm chặt trăng vào giấc ngủ êm
(Trăng đêm- Nguyễn Duy Yên
)

Xanh, xanh, xanh…- hai tâm hồn thơ đôn hậu.
Xanh, xanh, xanh…- những trang thơ
Cắm mốc Dặm đời.

* **

DẶM ĐỜI là sự nối tiếp dòng mạch của TIẾNG LÒNG. Nối tiếp một cách tự nhiên, vì rằng thơ vẫn là nơi gửi gắm tâm tình của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên. Vui và buồn: vào thơ, cảm và nghĩ: vào thơ… Với hai tác giả, thơ còn là nơi chia sẻ tâm tình.


Thoáng nhìn là như thế. Song, đọc kỹ, lại không phải thế ! Nếu TIẾNG LÒNG là sự kết đọng của một mối tình đang độ đâm chồi, nảy lộc thì DẶM ĐỜI lại thẫm đẫm dư vị của những năm tháng bôn ba. Nếu TIẾNG LÒNG xanh rờn những dòng cảm xúc hồn nhiên, trung hậu thì DẶM ĐỜI lại chín mọng những rung động hòa quyện suy tư.

Có thể coi bài thơ DẶM ĐỜI là tiếng nói chung của hai tác giả, là những dòng đề từ của cả tập thơ:

Dặm đời được mấy tấc gang.
Nổi chìm sông nước, đoạn trường ai hay…

…Dặm đời sao lắm chông gai
Ái ân, duyên nợ, còn dài tình chung.
(Dặm đời- Nguyễn Duy Yên)

Thực ra cảm xúc bao giờ cũng gắn kết, hơn nữa hàm chứa nhận thức ; trái tim không phải là một vương quốc độc lập và càng không bao giờ là một vương quốc biệt lập. Khối óc vẫn luôn chỉ đạo trái tim – xét theo ý nghĩa sinh học và cả triết học. Vậy nên, nói cho thật chuẩn xác, nếu Tiếng Lòng nghiêng về trái tim thì Dặm Đời lại nghiêng về khối óc.


Trải qua những dặm đời quang co, khúc khuỷu, trải qua những tháng năm vất vả, thăng trầm, thời gian đã trở thành người thầy dạy bảo cách cảm nhận của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên:

Mẹ dạy con từ khi con tập nói
Đời dạy con đi tiếp trọn cuộc đời.
(Dang dở- Đoàn Kim Vân)
Nếu Nguyễn Duy Yên bâng khuâng, man mác:
Nghiêng nghiêng nắng đổ chiều tà
Lòng riêng, riêng biết, mặn mà với ai.
(Tình trường- Nguyễn Duy Yên)
Thì Đoàn Kim Vân cũng man mác, bâng khuâng:
Tuổi thơ nay đã qua rồi
Tính ra đã quá nửa đời xa quê
(Nhớ quê- Đoàn Kim Vân)

Thời gian, với hai tác giả không chỉ là người thầy dạy bảo mà còn là chiếc đồng hồ đánh thức suy tư. Nếu Nguyễn Duy Yên tự “răn mình”:

Danh lợi quên đi, chớ có màng
Hữu ích cho đời, thế là sang
Tính sổ trăm năm, tròn quả phúc
Tiếng thơm lưu lại với trần gian
(Răn mình – Nguyễn Duy Yên)

Thì Đoàn Kim Vân lại nghe “Tiếng Vọng” của chính lòng mình:

Sinh tử chẳng qua cũng là lẽ đời
Thời gian vun vút tháng năm trôi
Bận với trần gian còn mấy chốc
Thấp thoáng qua đi một kiếp người
(Tiếng vọng hồn- Đoàn Kim Vân)

Có ai đó đã nói: cô đơn là bệnh của thi nhân.
Chẳng riêng thi nhân, mỗi con người trên dọc đường đời nghe chiếc gậy thời gian gõ nhịp, đều có những giây phút cảm thấy cô đơn.

Chị ơi! Ngày tháng qua nhanh
Quẩn quanh vẫn thấy bóng hình dáng xưa
Ngoài vườn cây lá đung đưa
Gợi thương, gợi nhớ, nắng mưa quê người
(Gửi chị phương xa- Nguyễn Duy Yên)
Ngược dòng về tuổi ấu thơ
Song thân ngày ấy bây giờ nơi đâu?
Trải bao mưa nắng dãi dầu
Dừng chân vườn cũ, mái đầu điểm sương
(Trở về vườn cũ- Đoàn Kim Vân)


* **

Cô đơn chợt đến. Rồi cũng chợt đi. Rất may cho hai tác giả – và cũng là đôi bạn đời – họ không hề gục ngã: thêm tháng, thêm năm mà không yếm thế, tuổi tác tăng dần mà vẫn yêu đời. Nếu Nguyễn Duy Yên vẫn vui với “Hương đời”:

Giờ đây, con cháu đã đông vui
Tuổi trẻ qua đi, nếm đủ mùi
Mặn, nhạt, cay, chua bao hương vị
Còn lại hương đời với xuân thôi
(Đón xuân- Nguyễn Duy Yên)

Thì Đoàn Kim Vân cũng vẫn dạt dào “sức sống”:

Gió Đà Lạt thổi êm êm
Cho ta sức sống, tăng thêm tuổi đời
(Thành phố đồi Thông- Đoàn Kim Vân)

Nếu Nguyễn Duy Yên thấy:

Trời vẫn xanh trong, đời vẫn đẹp
(Hoài niệm – Nguyễn Duy Yên)

Thì Đoàn Kim vẫn cũng “đắm mình trong cảnh vật” để nhận ra rằng:

Đá cũng đa tình quyện nước mây
(Nắng Hạ Long- Đoàn Kim Vân)

Trong dòng cảm xúc của đôi bạn đời ấy, thời gian tưởng chừng gõ nhịp. Cô gái nào đây là nguồn thi hứng?
Hay cô “thôn nữ” năm xưa?


Tóc em như mây bay
Vuốt nhẹ đôi bàn tay
Soi mình in bóng nước
Hương lan tỏa ngất ngây
………………
Ước gì có dịp may
Em nhờ nâng mái tóc
Cho duyên bén từ đây
(Hương tóc duyên xưa- Nguyễn Duy Yên)

“Đọc” được trái tim qua ánh mắt không phải dễ!
Nhưng “Nàng” đã hằng “đọc” tự thủa nào rồi:

Cánh buồm no gió thuyền về bến
Ai đó mong chờ trong mắt ai
(Nắng Hạ Long- Đoàn Kim Vân)

Vẫn yêu- yêu rắn rỏi, đầy “nam tính’ như thời trai trẻ:


Tất cả mọi nẻo đường
Ta có thể qua đi
………….
Riêng có một con đường
Chẳng cách biển, ngăn sông
Sao ngại ngùng thấy khó
Đường tới “Trái tim hồng”
(Có một con đường- Nguyễn Duy Yên)

Vẫn yêu- đằm thắm và “nữ tính”, vì đã từng nếm trải vị tình yêu:

Đời chỉ đẹp khi tình yêu chớm nở
Và trĩu buồn, dang dở lúc chia tay
(Dang dở – Đoàn Kim Vân)

Họ vẫn yêu- như đã hằng yêu- mối tình của đôi bạn đời và đôi bạn thơ ấy đã trở thành suối nguồn sức mạnh để chung lưng đấu cật, son sắt trọn đời. Và giờ đây:

Anh anh, em em mãi rồi mà

Giờ đây lên lão, vẫn hai ta
Tình đời lại đẹp hơn xưa nhỉ?

Anh đổi thành ông, em thành bà

(Tình già- Nguyễn Duy Yên)

“Tình già” mà lại trẻ, bởi lẽ trong “ông” vẫn là “anh”, trong “bà” vẫn là “em”. Hóa ra những dặm đời vẫn không thể đổi màu cảm xúc; trẻ hay già không thuộc quyền của năm tháng, thời gian./.


Hà Nội sang đông
Giáo sư- Nhà giáo ưu tú DƯƠNG VIẾT Á.

Ảnh : Internet