07 tháng 1, 2012

HÒN ĐÁ VỌNG PHU

                                       
                                               LỜI BÌNH BÀI THƠ : HÒN ĐÁ VỌNG PHU
                                    Thơ Đoàn Kim Vân - Lời bình của Nhà văn - Nhà thơ
                                    Nguyễn Thăng 1n trong tập thơ Nắng thu vàng -NXB
                                                                  Thanh niên 2005.

HÒN ĐÁ VỌNG PHU

Người đi chinh chiến xa xôi
Ngày về chẳng hẹn khôn nguôi nhớ chàng
Nghìn trùng cách trở quan san
Tin ngày một vắng muôn vàn nhớ thương.

Mẹ già tóc đã điểm sương
Mỏi mòn con mắt sầu vương tháng ngày
Nhớ người góc bể chân mây
Xa nhà đằng đẵng đã dầy bao thu.

Chuyện tình Hòn đá Vọng phu
Đăm đăm đôi mắt mà ru nỗi buồn
Bồng con đứng  giữa cô đơn
Người đi, đi mãi vẫn còn đợi trông.

Biến thân hóa đá chờ chồng
Vọng Phu chuyện kể tấm lòng thủy chung
Hồn trinh thiếp gửi theo cùng
Phương trời xa nhớ xin đừng phụ nhau.

         4-1968 (Chân trời mới)
        Tập thơ NXB Văn học- 2003


LỜI BÌNH

  Đất nước ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Từ thời bình minh của lịch sử, dân tộc ta đã phải đứng lên đánh giặc cứu nước. Truyền thống Thánh Gióng đánh giặc Ân là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam anh hùng, Nước ta thường phải chống trả và đánh thắng những kẻ thù         hung bạo nhất thế giới.
Trong những cuộc binh đao khói lửa ấy, trai tráng phải ra mặt trận. Phụ nữ con thơ, mẹ già phải ở lại hậu phương sản xuất cung cấp lương thực cho tiền tuyến và chờ đợi. Hình ảnh Hòn Vọng Phu xuất hiện nhiều nơi trên các dải núi non của Tổ quốc, là những đề tài cho các sáng tác văn học.Bằng sự đồng cảm và tưởng tượng phong phú, nhà thơ Đoàn Kim Vân trong một lần lên thăm xứ Lạng (1968) chị đã sáng tác bài thơ Hòn đá Vọng Phu.   Bài thơ viết theo thể lục bát gồm bốn khổ thơ dung dị ,như lời kể chuyện cổ tích đầy xúc động.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người vợ ở hậu phương :
Người đi chinh chiến xa xôi
Ngày về chẳng hẹn khôn nguôi nhớ chàng Nghìn trùng cách trở quan san
Tin ngày một vắng muôn vàn nhớ thương.
   Nhà thơ kể chuyện người chồng đi chiến đấu ở rất xa - xa lắm, phép ví von , so sánh, ước lệ chỉ sự xa xôi" Nghìn trùng cách trở quan san". Sự xa cách đó là biền biệt không có tin hẹn ngày về. Mà chồng hẹn ngày về làm sao được chứ ? Anh đi chiến trận là đi vào nơi trận mạc. Nơi sự sống hay chết còn là may rủi, có ngày về hay không, về sớm hay về muộn, còn phụ thuộc vào mức độ ác liệt của cuộc chiến tranh. Đó là sự thật. Hình ảnh của người chồng hiện lên trong sự suy nghĩ của người vợ thấm đượm tình thương nỗi nhớ.   Người vợ nhớ thương chồng nỗi nhớ dâng đầy. Nhưng từ so sánh ước lệ "Khôn nguôi , muôn vàn" diễn tả mức độ nhớ thương chồng, lo lắng cho chồng thật tha thiết. Đọc đến đây ta thấy khát vọng hòa bình, khát vọng sum họp của nhân dân ta. Từ đó ta bỗng nhớ tới tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm tác phẩm cũng viết về người chinh phụ có chồng ở chiến trường :
Tin gửi đi người không thấy lại
Hoa Dương tàn đã trải rêu xanh
Rêu xanh mấy lớp xung quanh
Chân đi một bước trăm đường ngẩn ngơ.
   Người chinh phụ trong khúc ngâm của nữ thi sĩ họ Đoàn, người chinh phụ nhớ chồng ở chiến trường thật tha thiết. Nỗi nhớ ấy quán xuyến toàn bộ  suy nghĩ công việc của chinh phụ, khiến ta cảm thông sâu sắc làm sao. Khi kẻ thù đến dày xéo quê hương thì mọi người dân đều khổ cực. Nhưng khổ nhất, thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ mà ở đây là người vợ trẻ vò võ nhớ thương chồng ở chiến trường xa.     Khổ thứ 2 : Đòan Kim Vân hướng suy nghĩ liên tưởng về người mẹ :
Mẹ già tóc đã điểm sương
Mỏi mòn con mắt sầu vương tháng ngày
Nhớ người góc bể chân mây
Xa nhà đằng đẵng đã dầy bao thu.
   Bằng  bốn câu thơ mộc mạc kết hợp với xử dụng các từ biểu cảm (so sánh, ước lệ) chị đã vẽ lên hình ảnh người mẹ già nua nhớ con đến nỗi héo hắt tội nghiệp.     Trong khi đất nước có chiến tranh, trai tráng lên đường đi chiến đấu thì người mẹ ở hậu phương, mẹ nhớ con như vậy đó. Vì lòng mẹ rộng vô cùng như một nhà thơ đã viết :
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn thương con...
(Chế Lan Viên)
   Lẽ thường, tình thương của mẹ là vô bờ, đằng này con của mẹ lại đi vào nơi khói lửa, cái sống cái chết chỉ trong tích tắc thì tình thương đó của mẹ còn tăng lên gấp bội.
   Đọc đoạn thơ ta thêm kính yêu mẹ, biết ơn mẹ vô vàn vì sự hy sinh của mẹ, tình yêu thương của mẹ đối với con không thể đo đếm được.      Nỗi nhớ của người vợ, của mẹ già đối với chồng con làm ta xúc động bồi hồi...Kể xong câu chuyện Đoàn Kim Vân đã nhận xét :
Chuyện tình Hòn đá Vọng phu
Đăm đăm đôi mắt mà ru nỗi buồn
Bồng con đứng giữa cô đơn
Người đi, đi mãi vẫn còn đợi mong.
Khổ thơ hay ở từ "Đăm đăm" từ biểu tượng tả tâm trạng người vợ, người mẹ :
Đăm đăm đôi mắt mà ru nỗi buồn...
   Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Bao nỗi nhớ thương tràn đầy nói qua đôi mắt tình cảm xao xuyến, ngóng đợi, buồn thương làm lòng ta thổn thức mà thêm cảm phục phụ nữ Việt Nam rất đỗi tự hào.   Tiếp tục mạch suy nghĩ của mình Đoàn Kim Vân viết ;
Biến thân hóa đá chờ chồng
Vọng phu chuyện kể tấm lòng thủy chung
   Chị liên hệ tới tấm lòng người vợ thủy chung với chồng. Đó là nét đẹp của phẩm chất người phụ nữ Việt Nam. Sự thủy chung đó thật đáng quý. Hai câu kết :
Hồn trinh thiếp gửi theo cùng
Phương trời xa nhớ xin đừng phụ nhau.
   Câu nói trống (Chủ ngữ ẩn) nhắn ai ? chắc chắn đây là vợ nhắn chồng. Nhắn chồng đừng phụ tấm lòng chung thủy của em, người vợ ở hậu phương.    Tình cảm thông thường của con người khi nhớ ai ,người ta có quyền hỏi người ở xa đó có nhớ mình không?
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa ta có nhớ ta không?
Ở đây người vợ thủy chung chờ đợi không có quyền hỏi, có quyền dặn người chồng nơi xa đừng có phụ nhau. Qua đó càng chứng tỏ chị yêu chồng tha thiết.     Bài thơ dùng nhiều từ ước lệ cổ."Nghìn trùng, quan san,góc bể chân mây, hồn trinh, thiếp..." Đây có phải là hạn chế của tác giả không? Hòn đá Vọng phu có sự tích nhiều người thuộc. Đoàn Kim Vân dựa vào câu chuyện thơ để sáng tác. Trong câu chuyện kể, các từ ước lệ này đã làm cho câu chuyện có màu sắc cổ tích huyền thoại. Thông qua câu chuyện thơ tác giả đã ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chính các chị, các mẹ đã viết nên truyền thống tự hào : anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
   Tám chữ vàng chói lọi đó không phải ngày nay mới có mà đã hình thành từ hàng ngàn năm ,đồng hành cùng với lịch sử dân tộc .       Tôi được biết cũng viết vê Hòn Vông phu có nhiều thi sĩ, trong đó có Hải Đường :
Bao người vợ ngóng chồng cạn khô nước mắt
Giấu vào đá nhịp tim yêu bất diệt.
  (Miền phù sa- NXB- VH 2002)
Những bài viết về Hòn Vọng phu đều ca ngợi tình yêu chung thủy của người phụ nữ Việt Nam...
Thơ hay là thơ giàu tình cảm, thơ nói được ý nghĩa lớn lao của con người.    Đứng ở cách nhìn, cách cảm nhận đó, người đọc trân trọng đón nhận Hòn đá Vọng phu, Đây là một bài thơ hay của Đoàn Kim Vân. Cô giáo Thanh Thúy giáo viên văn trường Chu Văn An Hà nội khi đọc Hòn đá Vọng phu đã viết "Cảm ơn chị Đoàn Kim Vân đã cho chúng tôi những cảm xúc về những vần thơ rất thật với đời". Có lẽ chúng ta cũng có cùng suy nghĩ như vậy.
Hà Nội đón xuân Ất Dậu 30-1-2005
Nguyễn Thăng