09 tháng 1, 2012

MỘT BUỔI TIỄN ĐƯA

 

                                                              MỘT BUỔI TIỄN ĐƯA
                                                                       ( ở ga Hà nội)
                                                                     Nguyễn Duy Yên

                                                Có gì buồn hơn ở sân ga
                                                Người trở ra về kẻ đi xa
                                                Nơi đây chứng kiến bao cảnh ngộ
                                                Mẹ nắm tay con mắt lệ nhòa.

                                                Vợ trẻ rưng rưng đưa tiễn chồng
                                                Gửi gắm lòng mình nỗi nhớ mong
                                                Hẹn nhau chiến thắng anh về nhé
                                                Quản chi năm tháng đợi chờ mong.

                                                Bạn bè thân thiết tiễn nhau đi
                                                Vui buồn khôn dấu lúc chia ly
                                                Làm trai thời chiến ra tiền tuyến
                                                Trả nợ non sông có sá gì.

                                                Giục giã còi tàu nhả khói bay
                                                Bàn tay vẫy gọi những bàn tay
                                                Con tàu mang nặng bao thương nhớ
                                                Ga lặng lẽ buồn trong phút giây.
                                                 
                                                    2-2003 (thơ Hái ở Long thành)
                                                                         NXB Hội Nhà Văn - 2004

                                                            LỜI BÌNH
                                      của Nhà văn - Nhà Thơ Nguyễn Thăng


   Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ga Hà nội luôn diễn ra những buổi tiẽn đưa người thân lên đường đi chiến đấu. Nguyễn Duy Yên đã quan sát mà viết bài thơ này.
   Bài thơ viết theo thể thất ngôn tư tuyệt .Một bài gồm bốn khổ thơ, mỗi khổ thơ gồm bốn dòng thơ, mỗi dòng thơ bảy chữ. Một thể thơ thường khó diễn tả tâm trạng kẻ ở người đi.
      Khổ thơ 1 : Quang cảnh chung mẹ tiễn đưa con.
      Khổ thơ 2 : Cảnh vợ trẻ tiễn đưa chồng..
      Khổ thơ 3 : Cảnh bạn thân tiễn đưa nhau.
      Khổ thơ 4 : Con tàu rời ga kẻ ở người đi
   Cả bài thơ buồn thương, lưu luyến, bịn rịn :
                               Mẹ nắm tay con mắt lệ nhòa...
                               Vợ trẻ rưng rưng tiễn đưa chồng....
   Tình thương không kìm nén được. nước mắt cứ tuôn trào. Khi vui, khi buồn thông thường người ta hay khóc. Ở đây là nước mắt buồn vì lo cho người thân ( cho con, cho chồng) đi vào nơi chiến trường bom rơi đạn nổ. Năm 1972 Hà nội trải qua trận B52 rải thảm.Miền Nam chiến tranh vào giai đoạn cuối diễn ra rất ác liệt .Tiễn con, tiễn chồng, tiễn bạn ra trận trong bối cảnh ấy làm sao mà không lo lắng. Tác giả đã quan sát và nêu được tâm trạng rất thật của con người diễn ra trong thời khắc ngắn ngủi này.
   Tâm trạng người mẹ, người vợ, người bạn đưa tiễn cũng là tâm trạng của tác giả. Bài thơ xúc động là do nêu được tình cảm rất thật của con người.
   Đề tài tiễn đưa người thân lên đường ra trận thường được các nhà thơ viết nhiều từ xưa đến nay , có lẽ cũng do nhân loại đã liên tục xảy ra chiến tranh, trai tráng phải lên đường. Trong thơ văn thường có hình ảnh đưa tiễn .
   Vương Hàn nhà thơ Trung Quốc thời Đường đã viết:
                                         "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (Từ xưa người ra trận thường không về).
   Becton Bret nhà thơ Đức cũng có hai câu nổi tiếng :
                                         Đêm nay những lứa đôi gặp gỡ
                                        Ngày mai ra đời những đưa trẻ mồ côi...
                                                         (Xuân Diệu dịch)
   Thơ đưa tiễn người ra trận nói chung buồn, bi quan. Người lính trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa đó phục vụ cho bọn phong kiến xâu xé tàn sát nhau hay phục vụ cho bọn  phát xít. Họ tham gia vào chiến tranh phi nghĩa nên tuyệt vọng.Khi lên đường họ đã cầm chắc cái chết...
   Trái lại trong bài thơ này tác giả cũng có buồn thương lưu luyến,bịn rịn, nước mắt rưng rưng. Tình cảm kẻ ở người đi buồn thương là thường, nhưng không bi quan mà có niềm tin.
   Người vợ ở lại thì :
                                      Hẹn nhau chiến thắng anh về nhé
                                      Quản chi năm tháng đợi, chờ, mong...
   Người lên đường thì :.
                                      Làm trai thời chiến ra tiền tuyến
                                      Trả nợ non sông có sá gì...
   Người đi quyết tâm chiến đấu tiêu diệt giặc. Họ đã tin vào ngày mai chiến thắng trở về. Hình ảnh cuối bài thơ :
                                      Giục giã còi tàu nhả khói bay
                                      Bàn tay vẫy gọi những bàn tay
                                      Con tàu mang nặng bao thương nhớ
                                      Ga lặng lẽ buồn trong phút giây.
   Nguyễn Duy Yên đã chớp được một khoảnh khắc sống động. Khổ thơ kết có hình ảnh và âm thanh. Hình ảnh của khói bay con tàu, của bàn tay vẫy vẫy, âm thanh của tiếng còi tàu giục giã báo hiệu chuyển bánh. Âm thanh của tiếng gọi nhau, của lời ly biệt.
   Phép ẩn dụ làm cho hình ảnh chia tay bịn rịn, lưu luyến đọng lại trong lòng người đọc những nghĩ suy xao xuyến bồi hồi :
                                   Con tàu mang nặng bao thương nhớ
                                   Ga lặng lẽ buồn trong phút giây
   Cuộc tiễn đưa này tiếp cuộc tiễn đưa khác... buồn man mác, nhưng mà lạc quan tin tưởng. Đó là nét đẹp của thơ ca cách mạng, thơ ca người chiến sĩ.
   Xi mô nốp nhà thơ Nga Xô Viết đã viết "Đợi anh về". Bài thơ có những câu :
                                  "...Ngày có dài lê thê
                                      Mưa có dài lê thê
                                      Thì em ơi cứ đợi...
                                               (Tố Hữu dịch)
  Bài thơ tràn đầy niềm lạc quan cách mạng của người lính Xô Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc chốn phát xít Đức Hit Le.
   Cùng thời gian với Nguyễn Duy Yên, Nguyễn Đình Thi viết : Chia tay trong đêm Hà nội . Đây là một bài thơ hay. Cuối bài thơ là lời dăn của người lên đường :
                                        Nhớ nhau chân cứng đá mềm chờ đợi nhé
                                        Đánh song giặc Mỹ nhớ về tìm nhau
                                        Anh ôm em và ôm cả khẩu súng trên vai em.
   Hai bài thơ nêu được hình ảnh rất thực của Hà nội những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thơ của người chiến sĩ cách mạng, của dòng thơ cách mạng đầy nhiệt huyết. Đó là tính chiến đấu là tiếng kèn trận thổi bùng lòng yêu nước động viên thanh niên lên đường.
   Nguyễn Duy Yên là người lính, thơ của anh là thơ của anh bộ đội cụ Hồ. Anh quan sát, anh viết theo cách nhìn của người trong cuộc vững lòng tin vào tương lai,


                                                                          Hà nội Xuân phân - 2005
                                                                                    Nguyễn Thăng