06 tháng 10, 2012

"NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN":TÂM TÌNH GỬI LẠI CỦA MỘT DOANH NHÂN (đọc ngược dòng thời gian, thơ của Đoàn Kim Vân, Nxb, Văn học,2008)

Nguyễn Anh Thế 
Khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học
Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội

         Xin được lấy hai câu thơ cuối tập để bắt đầu bài viết:
"Thôi thì coi cũng như không 
Đường trần thanh thản ung dung ta về"
                                       (Tiếc nuối)
         Có lẽ với tập thơ của Đoàn Kim Vân, người ta cần phải có một cách đọc của riêng mình. Nếu đọc từng bài một sẽ không thể cảm nhân được hết cái dư vị tình cảm của người viết. Thơ chị đọc đáo ở chỗ mỗi bài thơ cứ được giằng níu lại với nhau bằng một mối dây liên hệ vô hình. Chính vì thế, không những từng bài thơ mà ngay cả tập thơ bản thân nó cũng là một thể thống nhất. Đọc một cách nghiêm túc bằng thái độ tri ân với mỗi một dòng xúc cảm của người viết, chỉ qua tập thơ Ngược dòng thời gian, chúng ta cũng đã hình dung được diện mạo tâm hồn một người cầm bút.
          Điều đầu tiên phát lộ trong thế giới nghệ thuật của Đoàn Kim Vân là xúc cảm hoài cổ. Nỗi nhớ luôn là điều ám ảnh nhất với chị. Điều đó hé mở ngay từ nhan đề tập thơ:Ngược dòng thời gian. Nó chính là điểm xuất phát cho các ý thơ, là cấu tứ và cũng là điểm chốt cho mỗi bài thơ. Tính nhất quán trong cảm xúc của Đoàn Kim Vân được gói trọn vẹn bởi nỗi hoài cổ. Phải chăng khi tâm đã thanh thản giữa cõi trần gian, bước chân đã mòn lối cuối đường trần, những trăn trở, chiêm nghiệm về một kiếp người lại thổi bùng lên trong nhà thơ những nỗi niềm tiếc nuối mãnh liệt đến thế sao? Cho dù:
Nắng mưa dầu dãi phong trần 
Mái đầu xanh, bạc theo dần thời gian
Hoa tươi rồi cũng héo tàn 
Đa đoan nặng gánh trần gian kiếp người
                                           (Tiếc nuối)
          Thì chính những nỗi nhớ vẫn đang bập bùng trong hồn thơ Đoàn Kim Vân lại khẳng định tình yêu da diết của chị với cuộc đời. Nỗi nhớ quê của một người phụ nữ đã đi thế. Có lẽ cũng chỉ bắt gặp trong thơ Đoàn Kim Vân mà thôi:
Nhớ sao những buổi trưa hè
Tiếng ru xen lẫn tiếng ve kêu hoài 
Nhớ ngày đi học lớp hai
Tung tăng cặp sách trên vai tới trường 
Nhớ ao chuôm, nhớ con đường
Nhớ từng hòn đá, mảnh vườn, gốc tre
                                         (Nhớ quê)
        Hình ảnh người mẹ luôn gắn liền với hình ảnh quê hương trong nỗi nhớ của nhà thơ:
Mẹ ơi con đã về đây
Ấm tình mẫu tử mà say hương đời
Mai ngày con sẽ đi rồi
Lại xa mẹ, lại xa rời xóm thôn
                           (Về quê mẹ)
        Trong Ngược dòng thời gian, nhà thơ Đoàn Kim Vân đã lay động được nỗi lòng của những đứa con xa quê. Giữa sự ồn ã, xô bồ của phố thị mà bắt gặp những câu thơ sau đây thì làm sao không yêu, không nhớ:
Tiếng quê hương, tiếng mẹ hiền
Cho ta sức sống lớn lên thành người
Hồn quê gợi nhớ xa xôi
Bao nhiêu kỉ niệm một thời trẻ thơ
                           (Hồn quê gợi nhớ)
          Đọc thơ Đoàn Kim Vân trong Ngược dòng thời gian mới thấy chị đa cảm. Đến Huế rồi xa Huế cũng để lại trong chị những vần thơ da diết:
Ồ sao! Nhớ thế Huế ơi
Tính ra đã mấy thu rồi xa nhau
Còn trong trí nhớ nguyên màu 
Sông Hương núi Ngự nhịp cầu bắc ngang
                                           (Nhớ Huế)
          Mỗi mảnh đất chị đi qua cùng với những dấu chân in lại còn là vết dấu của tâm hồn chị lẩn khuất đâu đó để mà nhớ, mà thương: Nhớ chiều Vĩ Dạ, nhớ sông Hương, đau đáu cho một Vọng Phu đợi chồng, xót xa trước mộ Phạm Hồng Thái hay chạnh lòng nghĩ về nữ sĩ Lê Dung tài danh bạc mệnh...
          Đọc tập thơ của chị mới thấy Đoàn Kim Vân làm thơ như thể những xúc cảm chị có trong cuộc đời nhất thiết phải để dành cho thi ca. Bởi chẳng có người phụ nữ nào cứ ngày tháng miên man đi tìm ý cho một bài thơ chưa thành như chị. Điều đó làm nên cái hồn nhiên nghệ sĩ đáng yêu và đáng trân trọng ở nhà thơ Đoàn Kim Vân.
       Tình yêu cũng là mảng đề tài nổi bật trong Ngược dòng thời gian. Nhiều bài thơ tình nhà thơ hoàn thành từ khi mới mười tám, đôi mươi. Đặt trong mạch chảy của cả tập thơ giúp người đọc hình dung ra một Đoàn Kim Vân trẻ trung, chan chứa tình đời:
Yêu anh tuổi mới đương thì
Người đi chinh chiến cũng vì nước non
Thủy chung giữ tấm lòng son 
Đầy vơi nỗi nhớ khi còn vắng xa.
            Mối tình thủy chung, son sắt giữa nhà thơ Đoàn Kim Vân với nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã được chính tác giả ghi lại bằng những vần thơ trong năm tháng chiến tranh đạn lửa như những dự cảm :
Mai ngày sẽ hết chiến chinh
Vườn quê ta lại chung tình bên nhau
Hương xưa vẫn giữ nguyên mầu
Dù cho đến bạc mái đầu không phai
                           (Gửi người thương)
              Điều đặc biệt trong tập thơ Ngược dòng thời gian của nhà thơ Đoàn Kim Vân là người đọc còn bắt gặp nhiều bài thơ mang đậm nỗi lòng thế sự. Ít ai có thể nghĩ một tác giả thơ nữ đằm thắm xúc cảm, mãnh liệt trong tình yêu như nhà thơ Đoàn Kim Vân lại có được những bài thơ đau đáu thế sự, mừng vui với sự đổi thay của đất nước đến như vậy.
Ngôi nhà thế giới chơi chung 
Học buôn học bán bạn cùng năm châu
Làm cho nước mạnh dân giàu 
Sánh vai cường quốc tiến mau kịp thời
                                   (Chào WTO)
Hay:
Tương lai mới, chặng đường dài 
Vượt qua gian khổ, xây đài vinh quang
Giang sơn to đẹp, đàng hoàng
Dân sinh hạnh phúc, vẻ vang giống nòi 
                                    (Thế kỉ tương lai)
            Nhà thơ Đoàn Kim Vân đã chọn thể thơ lục bát để lên khuôn cho xúc cảm của mình . Đó là sự nhạy cảm của người viết khi lựa chọn hình thức thể hiện cho tác phẩm. Qua thể thơ lục bát, thơ Đoàn Kim Vân đằm thắm hơn, trữ tình hơn và đi vào tận cùng sự sẻ chia với người đọc. Với tập Ngược dòng thời gian, nhà thơ Đoàn Kim Vân khát vọng lưu lại chút tâm tình của mình, như một món quà bà gửi tặng cho cuộc đời.
Hà nội, tháng 3 năm 2010