12 tháng 1, 2013

Tỉnh táo và cao ngạo....

Nhà thơ: Bằng Việt

LỜI BÌNH TẬP THƠ
" Muôn nẻo đường thơ" của Nguyễn Duy Yên 
(Nhà xuất bản Văn học 12-2012).

TỈNH TÁO VÀ CAO NGẠO - MỘT PHẨM CHẤT CỦA THƠ

Nhà thơ BẰNG VIỆT
Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội

       Nhà thơ Nguyễn Duy Yên vốn ít xuất hiện trước công chúng. Ông lặng lẽ và khiêm tốn trong công việc sáng tạo, nhưng ông không hề đứng ngoài mọi diễn biến của thơ ca và cuộc sống. Tập thơ "Muôn nẻo đường thơ" tuy chỉ hoàn toàn là những bài thơ bốn câu, dẫu là lục bát hay tứ tuyệt, nhưng thực sự là nhà thơ biết sử dụng hình thức thơ ngắn gọn và hàm xúc này để nói lên được biết bao điều rộng lớn và sâu sắc hơn rất nhiều so với dung lượng những câu thơ bị hạn chế về niêm luật và khuân khổ, lại không thể vượt quá nổi 4 dòng.
       Nhà thơ luôn luôn tỏ ra vẫn là người trong cuộc, đôi khi chỉ bằng một nét phác họa, ông cũng đủ cho chúng ta thấy thái độ và chủ kiến của mình với thực tiễn cuộc sống. Ví dụ, chúng ta thường hay diễu cợt thân phận "phó thường dân" của mình khi so cánh với các chức tước nhiều danh vọng trong đời, nhưng với Nguyễn Duy Yên, ông hoàn toàn có một cách lý giải khác, hóm hỉnh, tỉnh táo mà không kém phần cao ngạo:
"Làm dân mà sướng , sướng hơn quan
Tránh đẻ ra mình cái giống tham!
Lắm kẻ cúi luồn mua chức tước
Vàng thau lẫn lộn biết ai ngoan?"
       Dám nói như vậy, vì nhà thơ có một lý tưởng sống hết sức chủ động, bình tĩnh, không ỷ nại vào sự may rủi hay những sự đưa đẩy tình cờ của số phận. Ông cứ tự nhủ lòng là hãy biết sống cho trọn đạo vẹn tình, còn giàu hay nghèo , sướng hay khổ... không phải do Trời Phật hay cậy nhờ ai mang đến, mà trước tiên là do nỗ lực của chính bản thân mình, do mọi yếu tố chủ động mà mình tự tạo ra:
"Đã sinh ra kiếp con người 
Biết yêu ,biết ghét, biết cười, biết khinh
Sống sao trọn nghĩa vẹn tình
Khổ đau hãy tự hỏi mình: Tại sao?"
       Có được cách nghĩ ung dung tự tại đó đã là quý lắm, nhưng nhà thơ còn tỉnh táo hơn trong việc "Luận sự đời", rất rành rè , chua chát, mà vẫn không hề có dấu hiệu gì ghen tức, cay cú, trái lại, coi như một chuyện đương nhiên, nhỡn tiền:
"Lận đận đi tìm thấy thú chơi
Được thua toan tính ván cờ đời
Xe xe ngựa ngựa đành trơ mắt
Nhường lại tốt nhèm nhảy chiếm ngôi"
        Tác giả có được cái nhìn tỉnh táo và cao ngạo đó, vì thực ra, ông nhìn đời bằng con mắt của người đã từng trải, cũng có phần nhuốm triết lý Lão Trang:
"Biết ai tỉnh, biết ai say
Ngọt bùi thì ít, đắng cay thì nhiều
Tuổi đơi, hỏi có bao nhiêu?
Trăm năm thoáng chốc đã vèo bay đi"
        Nhìn những phế tích như Mỹ Sơn, ngẫm việc đời dâu bể, giống như tâm trạng nhiều nhà thơ cổ điển, tác giả không thể không thốt lên tiếng thở dài ngậm ngùi:
"Một thời vương giả biết ai hay
Rừng núi âm u ngấn lệ đầy 
Điện ngọc ngai vàng thành phế tích 
Điêu tàn đổ nát dấu còn đây"
       Đã "ngộ" về thân phận con người trong lịch sử đến thế, nhưng điều luôn luôn dám tự vượt qua khỏi tâm lý trì trệ, bi quan là một điểm mạnh và một điểm sáng trong thơ Nguyễn Duy Yên. Nhà thơ luôn nhắc biểu tượng về sự "say đời":
"Say ngẫm sự đời thế mới hay 
Say quên danh lợi giữa đời này
Say tình, say nghĩa, say chân lý
Say dở, say gàn chớ có say!"
        Từ những ngậm ngùi xa xưa, chỉ giây phút sau, nhà thơ đã lại bình tĩnh và tỉnh táo trở lại với đời thường, với giọng thơ còn có phần hóm hỉnh, hoạt kê.
        Với những gì "đốn ngộ" ra trong đời, quá thực, việc tìm được người bạn tri kỷ tri âm trong đời cũng là cả một vấn đề không dễ gì:
"Pha ấm trà ngon mời đón khách
Không duyên không  nợ thế mà vui
Một đời săn đuổi đi tìm bạn
Tri kỷ xem ra được mấy người"
       Tìm được người tri kỷ với mình cũng như người tri kỷ trong thơ đều khó:
"Sông văn chảy cuốn theo dòng
Đường ra biển cả mênh mông nước trời 
Viết câu thơ để lại đời
Tìm vàng đãi cát ai người biết chăng?"
       Thơ thứ thiệt, phải "đãi cát tìm vàng " mới có được thì khó thế, nhưng thơ lạm phát như trong thời buổi hôm nay thì lại quá thừa. Không phải là không có một chút khinh bạc khi nhà thơ phải thốt lên đầy ngao ngán:
"Nhà thơ sao lắm thế, giời ơi!
Thơ nhả tùm lum cóc vái trời 
Thiên hạ tha hồ ăn chữ nghĩa
No rồi, chướng bụng, vái xin thôi!"
      Và thứ thơ "ngộ chữ " đầy ngộ nhận này cũng bị tác giả lên án mạnh mẽ:
"Đọc kỹ tập thơ chẳng hiểu gì 
Lằng nhằng triết lý cái chi chi
Ngờ rằng ngộ chữ lòe thiên hạ
Đại bịp thành danh thế mới kỳ!"
       Nhà thơ tuy đã là một cây bút lớn tuổi , nhưng thực sự rất "dấn thân " vào với những hiện tượng của thời sự văn học, và thực sự có một lập trường đanh thép trước những trang viết giả tạo, sáo đội lông công, mượn màu đổi mới, cách tân, độc đáo hoặc triết lý rối mù ... để lừa bịp thiên hạ. Những nhận xét của Nguyễn Duy Yên tuy ngắn gọn nhưng rất sắc sảo và kịp thời  với phong trào thơ hôm nay.
       Hơn 150 bài thơ gọn ghẽ và nhiều tâm sự riêng của nhà thơ Nguyễn Duy Yên cứ tưng tửng như thế mà mở rộng ra các vấn đề xã hội, các cung bậc  thấp cao của đời sống con người hôm nay . Tình cảm riêng được nhà thơ gắn nhuần nhuyễn với các suy tư chung; phong cách cổ điển nhẹ nhàng được gài thêm vào chất hài hước hoạt kê dí dỏm; sự đằm thắm trong tình yêu con người, được bổ sùn thêm các khía cạnh phê phán sắc sảo mọi thói hư tật xấu xã hội.... Xin chân thành chúc mừng nhà thơ và trân trọng giới thiệu  với bạn đọc một tiếng thơ, tuy có vẻ như còn thầm lặng, nhưng lại có một phẩm chất , theo tôi, là cần thiết cho thơ hôm nay, đó là sự tỉnh táo trong vẻ cao ngạo, và sự cao ngạo ẩn mình trong các suy nghĩ tỉnh táo. Đó chính là ưu điểm mà tập thơ 4 câu "Muôn nẻo đường thơ " của  nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã tìm được đường tiếp cận tới tình cảm và suy tư của độc giả.