11 tháng 3, 2014

MỘT HỒN THƠ ĐA CHIỀU VÀ DA DIẾT

Ảnh Internet
Bài viết nhận xét tập "LĂNG KÍNH THƠ" của Đoàn Kim Vân
NXB HỘI NHÀ VĂN (2014)


MỘT HỒN THƠ ĐA CHIỀU VÀ DA DIẾT
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoa
Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã hội Việt Nam
       Một người bạn đưa  cho tôi xem tập bản thảo Lăng kính thơ. Chỉ mới đọc mấy trang đầu thôi mà tôi đã bị cuốn hút thật sự. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi được biết tác giả là nữ giới - nhà thơ Đoàn Kim Vân - ở góc độ sáng tạo văn chương thật dồi dào. Kể từ ngày nghỉ hưu và công việc kinh doanh, bà đã cùng chồng là nhà thơ Nguyễn Duy Yên (cháu ngoại của nhà văn hóa - danh nhân Phan Kế Bính), say mê hơn trong công việc sáng tác thơ ca. Ông, bà đã để lại cho đời một lượng tác phẩm  thật đáng nể phục như sau:
Tiếng lòng (tập thơ in chung, Nxb. Văn hóa - Thông Tin, 1997); Dặm Đời (tập thơ in chung Nxb. Văn học, 2001); Chân trời mới (tập thơ in chung, Nxb. Văn học, 2003), Biển đời (tập thơ in chung, Nxb. Văn học, 2008), Tuyển tập thơ (tập thơ in chung, Nxb. Văn học, 2010), Ngược dòng thời gian - in riêng (Nxb. Văn học, 2008); Mùa hoa nhãn - in riêng (Nxb. Hội nhà văn, 2010); Lăng kính thơ - in riêng (Nxb. Hội nhà văn, 2014). Mênh mang xuân... (tập thơ Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2009); Một thoáng hương xưa (tập thơ Nguyễn Duy Yên, Nxb. Hội nhà văn, 2010); Muôn nẻo đường thơ ( tập thơ Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2012).
      Bà cùng chồng là ông Nguyễn Duy Yên đã biên soạn 02 tập thơ: Trăng với thi nhân Việt Nam (Nxb. Văn học, 2010); Nợ bút nghiên (Nxb. Văn học 2012). Ngoài việc in sách ông, bà đã xuất bản 20 đĩa CD, DVD (Nxb. Âm nhạc - DIHAVINA và Audio HỒ GƯƠM ấn hành từ 1998 - 2008). Năm 2014 ông, bà đã xuất bản một tập ca nhạc Xuân với tôi trên 100 bài (do Nxb. Âm nhạc việt Nam ấn hành - DIHAVINA, 2014). 
      Những bài thơ của ông, bà đã được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc, phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nôi và Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiều ca khúc hay được khán thính giả yêu thích đón nhận.
     Tôi trộm nghĩ, nếu trong lâu đài văn chương của ông bà có thêm tập ký và tập tự truyện nữa thì thật đầy đủ và đáng quý biết bao cho hậu thế!
     Tập Lăng kính thơ gồm 201 bài thơ chỉ với thể thơ bốn câu, đây là điều đặc biệt so với các tập thơ trước đây của bà. Người nữ sĩ họ Đoàn này đã trải lòng mình với tất cả những gì có thể diễn đạt được bằng thơ, từ ký ức xa xăm của thời tuổi trẻ, thời đã qua và những dấu ấn của thời hiện tại, cho đến tình yêu, thế sự, thiên nhiên, danh thắng, gia đình và cả bạn hữu nữa... đều được bà biểu cảm bằng những thi tứ mượt mà, chắt lọc.
     Bà đã viết về nỗi nhớ như một lời hò hẹn, lời dặn dò:
Nhớ nhau thì nhớ hôm nay nhé
Có lệ rưng rưng nặng khối tình
Trống trải lòng em khi tiễn biệt
Đường chiều in mãi bóng hình anh.
                                              (Nỗi nhớ)
     Cũng là nỗi nhớ, nhưng khi viết về dòng sông, bà như trách cứ, một sự trách cứ thật dễ chịu và thăm thẳm:
Sông kia ai nối nhịp cầu
Người đi để nhớ để sầu cho ai
Nắng chiều nhàn nhạt dần phai
Trông theo dòng nước nhớ hoài xa xăm
                                          (Dòng sông nỗi nhớ)
     Ở một bài khác, ta lại bắt gặp nỗi nhớ như trên, có điều giai điệu lại nghe có vẻ buồn hơn, da diết hơn thì phải:
Nhớ thương muốn gửi cho nhau
Đường mây cách trở ai sầu hơn ai?
Đêm dài tỉnh giấc hôm mai
Nghe con chim hót vườn ngoài mờ sương.
                                                           (Nhớ)
      Đọc Lăng kính thơ ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của mùa xuân và mùa thu, có lẽ hai mùa này đã chắp cánh hồn thơ cho bà. Phải là người từng trải, biết chắt chiu và yêu quý cuộc đời mới có những vần thơ về mùa xuân không chỉ đẹp mà còn như là sự nuối tiếc vậy:
Xuân đi đâu có đợi chờ
Tiếc xuân ra ngẩn vào ngơ một mình
Xa rồi những quãng ngày xanh
Xuân nhàn ngồi viết thơ tình gửi ai 
                                              (Tiếc xuân)
Hoặc:
Xuân đến đây rồi sao lại đi?
Đẹp như cô gái tuổi đương thì
Tình xuân phong kín bao nhung nhớ
Xuân đến đây rồi sao lại đi?
                                 (Xuân đừng đi)
Nhà thơ Đoàn Kim Vân còn viết rất nhiều bài thơ về mùa xuân, với bà mùa xuân như hiển hiện không nguôi ngoai trong ký ức. Phải là người có tâm hồn đa cảm, dễ rung động với cái đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là với mùa xuân thì cảm hứng thi tứ mới rung lên được những vần điệu say đến vậy. Một loạt bài về mùa xuân của bà đã khẳng định điều này: Trăng xuân, Cảm xúc ngày xuân , Gặp xuân...
        Mùa xuân là như vậy, còn mùa thu thì sao?
Bà đã viết:
Xanh biếc trời thu ngọn gió lành
Giậu thưa dương liễu rủ màu xanh
Ngoài vườn lá rụng cây thay lá
Phẳng lặng hồ thu song gợi tình
                                 (Trời thu)
    Và cảm thương cho thân phận vợ chồng Ngâu, năm dài đằng đẵng xa nhau:
Ngồi buồn thầm khóc mưa Ngâu
Vì đâu nên nỗi mà đau khối tình
Trăng buồn gió cũng lặng thinh
Năm tròn qua mới thấy hình bóng nhau
                                       (Mưa Ngâu)
      Qua một số bài thơ xuân và thu, ta nhận thấy hồn thơ của bà đã toát lên niềm vui trong sáng và nỗi buồn thầm lặng hòa quyện với thiên nhiên huyền bí.
      Một điều dễ nhận thấy trong tập năng kính thơ là những danh thắng cảnh của đất nước đã được nhà thơ Đoàn Kim Vân khái quát thật cô đọng nhưng hết sức sinh động. Người đọc có cảm tưởng như người thi sĩ này đi nhiều, biết nhiều, đặc biệt nắm được cái hồn của sự vật và hiện tượng. Bà đã dành cho dòng sông Thạch Hãn những vần thơ thật đặc trưng như sau:
Dòng sông Thạch Hãn nở hoa
Đôi bờ con nước hiền hòa chảy xuôi
Chiến trường xưa của một thời
Tấm gương liệt sĩ đời đời nhớ ơn.
                                   (Dòng sông Thạch Hãn)
      Còn khi viết về sông Hương, những vần thơ của bà bỗng như lặng xuống một cách yên ả, êm đềm như vốn có của một miền quê hết sức thơ mộng đã bao đời từng là nguồn cảm hứng của thơ ca: 
Đêm tàn lãng đãng sương rơi
Thuyền về bến đậu gợi khơi nỗi buồn
Khách đi rồi mái chèo buông
Còn trơ cô gái sông hương lững lờ
                              (Dòng sông Hương)
    Tả thiên nhiên, thơ Đoàn Kim Vân đã biết chắt lọc những thi tứ và hình ảnh đẹp, có khi bất ngờ đến mê mẩn. Bà là người yêu thích chơi hoa, nhưng phải là hoa tươi, hương sắc dịu dàng, còn như hoa giả thì mình không ưa, bà đã bộc lộ tâm trạng của mình qua bài thơ:
Vốn là người thích yêu hoa
Thiên nhiên ban tặng nõn nà tươi sinh
Sắc hương quyến rũ gợi tình
Còn như hoa giả thì mình không ưa.
                                       (Yêu hoa)
     Có những đêm về khuya, dưới ánh trăng hạ tuần, bà ngồi chờ xem hoa Quỳnh nở, xúc động với loài hoa đẹp kiêu sa mà lại chóng tàn:
Em từ kẽ lá nở ra
Quỳnh hoa em đẹp như là dáng tiên
Thẹn thùng khoe sắc về đêm
Đợi người quân tử bên thềm ngắm trăng.
Và cảm thương cho loài hoa quý:
Em đẹp nhưng mà chẳng tỏa hương
Nên em lánh mặt giữa đời thường
Qua đêm khoe sắc rồi tàn lụi
Để lại cho đời nỗi cảm thương.
                               (Hoa Quỳnh)
     Khi đến Hạ Long, một danh thắng nổi tiếng của đất nước vào một buổi chiều tà, ngày sắp hết, bà ngẫu hứng viết:
Biển gọi chiều về nắng nhạt phai
Trăng non hé nhú sắc vàng tươi
Cánh buồm no gió thuyền về bến
Ai đó trông chờ trong mắt ai!
                       (Hạ Long chiều)
     Đến với Tam Đảo, núi non trùng điệp, ngây ngất giữa khoảng trời lộng gió, mây phủ quanh năm bà cảm nhận:
Thăm thẳm trời cao gió cuốn bay
Mây ôm ấp núi giữa ban ngày
Bốn mùa đủ cả trong trời đất
Khách đến ai mà chẳng đắm say.
                                   (Ngẫu hứng Tam Đảo)
     Đối với Sa Pa là vùng đất thơ ca đã từng khắc họa nhiều cảnh đẹp, nhưng trong thơ của Đoàn Kim Vân người quê xứ nhãn này, Sa Pa lại hiện lên một cách bình dị và gần gũi biết bao:
Suối Hoa trong mát chảy hiền hòa
Nương rẫy mờ sương mấy bản xa
Thắng cảnh Sa Pa mơ mộng quá
Bốn mùa mây phủ bốn mùa hoa.
                                    (Sa Pa)
       Trong Lăng kính thơ có một loạt bài mang tính tự sự. Đây là mảng đề tài gây được sự chú ý của bạn đọc, là điểm nhấn nổi trội của tập thơ. Tự sự của Đoàn Kim Vân rất khéo léo, uyển chuyển. Nhiều khi bà nói về mình mà người đọc lại liên tưởng đến mình, đến ý nghĩa khác. Phải là người từng trải sự đời, phải lăn lộn ba chìm, bảy nổi mới có lời thơ dẫn dắt khéo léo như thế. Nói một cách khác, tất cả sự suy ngẫm về mình chỉ gói gọn trong những từ tuy gần gũi trong đời thường, nhưng vô cùng ý nghĩa, đó là các bài: Tìm, Ngẫm, Nghĩ, Tự nhủ, Sửa mình, Tu thân... Phải chăng đây là sự đúc kết của một đời người đã từng nếm trải cay đắng, ngọt bùi.
      Người ta đọc thơ bà mà có cảm tưởng như đang tự răn mình vậy:
Nhìn đời đôi mắt mờ sương khói
Ngán ngẩm nhân tình bạc tựa vôi
Tai chẳng muốn nghe lời kiệm nói
Sống sao xứng đáng một con người.
                                     (Tự nhủ)
     Bà tự nhủ như vậy rồi lại tự mình đi tìm. Bà tìm gì vậy? Bà đã có đủ mọi thứ rồi kia mà. Thật bất ngờ khi bà tâm sự:
Người đi tìm kiếm bạc vàng
Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
Ngẫm xem những tấn trò đời
Ai mà tìm thấy mặt trời nửa đêm
                                     (Tìm)
       Bà nghĩ cũng thật khác nhiều người. Sự khác biệt này ta có thể chấp nhận được, bởi lẽ lợi danh bà cũng có đủ rồi. phải chăng càng về cuối cuộc đời, người ta càng nhận thấy tình bạn là thật cao quý và được sống là điều hạnh phúc hơn hết thảy mọi thứ:
Lợi danh như thể phù du
Hãy nên thêm bạn bớt thù là hơn
Biển đời sóng gió nguồn cơn
Mai ngày về đất hỏi còn gì đâu?
                               (Nghĩ)
    Vậy cho nên bà luôn sửa mình. Đây cũng chính là thông điệp bà muốn gửi cho tất cả những ai quá coi trọng vật chất, tiền bạc:
Muốn hay phải biết sửa mình
Đừng kiêu ngạo quá mà sinh hợm đời
Thả mình vào chốn ăn chơi
Để rồi bỏ phí một thời xuân xanh.
                                (Sửa mình) 
     Đối với Đoàn Kim Vân, con người ta muốn sống thanh thản thì chớ tham lam. Đây là bí quyết sống và làm việc. Và nếu ai đó từ bỏ được lòng tham thì cuối cùng cái gì cũng gặt hái được cả, như thể là nhân nào thì quả ấy vây. Bà tâm sự:
Tham lam rước họa vào thân
Ở sao đức độ nghĩa mới là
Khôn ngoan ăn nói thật thà
Thấy của phi nghĩa tránh xa chớ màng.
                                         (Chớ tham)
     Riêng với tập Lăng kính thơ, tôi khẳng định rằng, tập thơ không những dày dặn về số lượng mà còn phong phú và đa dạng về chủ đề sáng tác. Điều cần nói tác giả đã nói và diễn đạt được bằng thơ, kể cả những nỗi lòng sâu xa, trắc ẩn, cũng như màu xám của sụ đời và màu hồng của cuộc sống hôm nay. Tập thơ thực sự là bước cách tân đáng kể của Đoàn Kim Vân, góp phần không nhỏ trong cả một quãng đường say mê sáng tạo văn chương.
     Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn hai bài thơ của bà mà tôi tâm đắc, một bài bà quan niệm về đời người và bài khác bà quan niệm về lăng kính của người nghệ sĩ. Bà chính là một con người bình dị như bao con người khác, nhưng điều đáng quý là bà biết nhận ra đời người thật ngắn ngủi, để khi sống phải sống sao cho xứng đáng. Bà còn là một nghệ sĩ, bởi thế bà đã biết viết về đời và dành cho đời những gì ưu ái nhất qua "lăng kính" của một nhà thơ:
Sinh tử chẳng qua cũng lẽ đời
Thời gian vun vút tháng năm trôi
Trần gian lận đận bao lâu nữa
Thấp thoáng qua đi một kiếp người
                                    (Đời người)
Và:
"Lăng kính" sáng  soi tỏ việc đời 
Biết yêu biết ghét bạn lòng ơi
Ngợi ca Tổ quốc giàu và đẹp
Gợi mở đôi điều góp ý thôi.
                              (Lăng kính thơ)
   Vâng, tuy nữ sĩ Đoàn Kim Vân nói "góp ý đôi điều" nhưng đó là cả một nỗi lòng mênh mang, đau đáu của bà đối với cuộc đời này. Và đôi điều của bà cũng thật lớn lao, thật ý nghĩa, đọc mãi, ngẫm mãi mà không hết.
    Xin trân trọng giới thiệu tập Lăng kính thơ với bạn đọc và những ai đã từng yêu mến dòng thơ tứ tuyệt cô đọng, kiệm lời nhưng chuyển tải được rất nhiều ý nghĩa sâu xa ta thường gặp trong đời sống thường ngày.
Hà Nội, tháng 9 năm 2013