01 tháng 12, 2020

HỒN THƠ ĐIỆU NHẠC TRONG 150 BÀI HÁT THEO LÀN ĐIỆU DÂN CA

 

HỒN THƠ ĐIỆU NHẠC TRONG 150 BÀI HÁT THEO LÀN ĐIỆU DÂN CA PHỔ THƠ
CỦA 2 NHÀ THƠ NGUYỄN DUY YÊN
VÀ ĐOÀN KIM VÂN

 

Trước đây, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân từng được trao tặng kỷ lục Guiness Việt Nam về 5000 câu thơ lục bát "Dấu ấn một thời" với 400 trang in ở tuổi xưa nay hiếm. Không chỉ có vậy, năm 2015, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cho nhà thơ Nguyễn Duy Yên và nhà thơ Đoàn Kim Vân là "Cặp vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ được phổ nhạc nhiều nhất" với hơn 100 bài thơ được khá nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của cả nước phổ nhạc. Lần này, một tin vui lại đến khi 150 bài thơ của hai nhà thơ này vừa được nhạc sĩ Dân Huyền và nhạc sĩ Mai Văn Lạng soạn nhạc theo các làn điệu dân ca truyền thống ở khắp mọi miền đất nước.

Nhìn lại quá trình tồn tại và phát triển của thi ca, từ xưa đến nay, có khá nhiều nhà thơ từng được coi là những nghệ sĩ "hát thơ" của nền nghệ thuật dân gian truyền thống. Bởi thế hai từ "Thơ ca" hoặc "Thi ca" đã nói lên sự gắn bó mật thiết giữa thơ với ca hát, giữa thơ với nhạc. Đặc biệt, ở các loại hình, các khúc thức của thơ Việt Nam truyền thống, từ 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ đến lục bát hoặc song thất lục bát... thì nhạc điệu, thi điệu của thơ rất được chú ý khi gieo vần, gieo chữ. Chính vì thế, trên trăm bài thơ viết theo thể thơ truyền thống của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân rất có duyên với các nhạc sĩ khi chất thơ, chất nhạc đã quyện vào nhau trong một chủ thể của trữ tình lãng mạn.

Tôi khá ngạc nhiên khi thấy bài thơ "Tâm sự cô lái đò" được nhạc sĩ Dân Huyền soạn theo diệu dân ca "Hô bài Chòi Khu 5". Nhà thơ Nguyễn Duy Yên viết bài thơ này năm 1952 khi ông mới 21 tuổi với những câu thơ trong sáng và tha thiết mà không phải người thơ trẻ nào ở độ tuổi ấy cũng có thể viết được:

 

Đò em đưa khách qua sông

Thuyền vừa ghé bến mà lòng thấy xa

Ngày ngày bao chuyến đò qua

Người đi để nhớ chắc là tơ duyên.

 

Thầm mong trước lạ sau quen

Đến gieo nỗi nhớ riêng em đợi chờ

Đượm buồn đôi mắt ngây thơ

Bên này, bên ấy đôi bờ cách sông.

 

Thuyền em mát mái xuôi dòng

Hỏi người chung bến chung lòng được chăng

Ngày trôi cùng với tháng năm

Dâu xanh còn kén con tằm nhả tơ.

Cô lái đò bến sông xưa

Cô đơn lẻ bóng giấc chưa thành

Phương trời xa một mối tình

Coi như giấc mộng vô hình thoảng qua.

Bài thơ nói trên cho thấy tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Duy Yên đã chín từ rất sớm và chính cảm xúc về tình yêu, về quê hương đã đánh thức trái tim nhà thơ ngay từ lúc ông còn khá trẻ.

Trong một xúc động khác, cũng lấy bối cảnh sông nước quê hương làm thi hứng, nhà thơ Đoàn Kim Vân trong bài thơ "Phải duyên" đã gợi lại những kỷ niệm của tình yêu buổi ban đầu khi họ đến với nhau. Bài thơ này được nhạc sĩ Dân Huyền soạn nhạc theo điệu hát "Sa mạc và trống quân" ngọt ngào và dễ lay động:

 

Phải duyên nên mới gặp nhau

Qua sông bắc nối nhịp cầu yêu thương

Sánh đôi dạo bước trên đường

Mảng vui quên cả mưa sương ướt đầu.

Ngập ngừng anh nói đôi câu

Tỏ tình trong sáng trước sau hẹn lòng

Mai đây nên nghĩa vợ chồng

Ông trời chắp nối hồng se duyên

Hoa cài trên mái tóc em

Hồn nhiên vui sống êm đềm ngày xanh

Mai đây hai đứa chúng mình

Bên nhau như bóng với hình trời quê

Đường xưa lối cũ đi về

Con sông chảy dọc con đê ngoài làng.

 

Có thể nhận thấy 150 bài thơ của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân được hai nhạc sĩ Dân Huyền và Mai Văn Lạng soạn theo các làn điệu dân ca, hầu hết đều là các bài thơ trữ tình viết theo thể lục bát hướng đến tình yêu đôi lứa, tình thương con người, cùng tình yêu quê hương, nguồn cội với những nỗi niềm da diết và chân thực. Trong bài thơ "Bụi thời gian", tác giả Nguyễn Duy Yên đã ngược dòng ký ức để ghi lại những kỷ niệm tình thơ theo tháng năm chiến chinh đã trôi vào dĩ vãng như một nỗi buồn của mối tình không thành:

 

Gió thoang thoảng mưa rưng rưng

Nắng hưng hửng nắng, chiều lưng lửng chiều

Sóng lòng dâng nhớ người yêu

Một thời xa với bao điều ước

Tan trong ký ức mơ hồ

Vơi đầy kỷ niệm để ngơ ngẩn tình

Vết thương lòng, bụi trường chinh

Một thời binh biến chiến tranh điêu tàn

Trở về quê với xóm làng

Gặp em mà cứ ngỡ ngàng dáng quen

Nhớ về giây phút êm đềm

Ngày xa xưa ấy lãng quên nhau rồi

Còn đâu lời đã hẹn lời

Duyên xe chỉ thắm của đôi chúng mình

Thời gian lặng lẽ trôi nhanh

Lỡ làng cam chịu thôi đành thế thôi

Lênh đênh nước chảy bèo trôi

Con tim còn đọng bóng người tình xưa.

Còn với nhà thơ Đoàn Kim Vân, hình bóng quê hương luôn trở đi trở lại trong những câu thơ thao thức một nỗi niềm nhớ thương thủy chung, thiết tha lắng đọng như trong bài thơ "Hồn quê gợi nhớ":

 

Nhớ gì như nhớ người yêu

Xa quê lòng những sớm chiều nhớ quê

Nhớ dòng sông, nhớ con đê

Mùa thơm lúa mới, nắng hè chói chang

Nhớ sao những buổi chiều vàng

Thoảng cơn gió thổi nồm nam mát lòng

Nhớ ao sen, nhớ ruộng đồng

Đường quanh lối xóm tựa trong bàn cờ

Nhớ về một thuở ấu thơ

Lời ru của mẹ à ơ đêm dài

Nhớ từ hạt lúa, củ khoai

Riêu cua gợi cảm, nhớ hoài cà tương

Quê hương ơi nặng tình thương

Gieo vào nỗi nhớ vấn vương tâm hồn

Tiếng quê hương, tiếng mẹ hiền

Cho ta sức sống lớn lên thành người.

 

Với 150 bài thơ trữ tình, hai nhạc sĩ Dân Huyền và Mai Văn Lạng với tài năng âm nhạc của mình đã soạn thơ theo các làn điệu chèo, hát cách, hát vỉa, hát vè, hát hồi tiếu hát xẩm, hát kể vè, hát lý giao duyên, hát hầu văn Huế, hát dân ca bài Chòi khu 5, dân ca Bình Trị Thiên, hát văn, hát sa mạc và trống quân, hát ví Nghệ Tĩnh, hát sử bằng, sa lệch chênh, hát quan họ, hát cò lả, hát ca trù, hát Mưỡu, hát nói, xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm thập ân, hát tuồng, lảy Kiều... rất phong phú, đặc sắc và đa thanh, đa điệu.

Ta có thể dễ nhận ra tiếng lòng tri âm, tri kỷ trong nhiều bài thơ của hai vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân. Đáng chú ý, cùng một tứ thơ viết kính tặng hương hồn cha mẹ nơi quê hương yêu dấu, mỗi người một nỗi niềm, một tâm sự một trăn trở nhưng đều chung một tiếng lòng, một sự đồng cảm tri âm. Bài thơ "Chỉ còn nỗi nhớ" của tác giả Nguyễn Duy Yên được nhạc sĩ Mai Văn Lạng soạn theo điệu hát xẩm ngâm sa mạc, xẩm thập ân:

 

Canh khuya một mảnh trăng thề

Vườn cây im ngủ, bốn bề lặng thinh

Bâng khuâng mình lại với mình

Hiện về ký ức bóng hình thuở xưa

Vẳng nghe tiếng trúc, tiếng

Hình như có tiếng tuổi thơ gọi về

Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê

Ngày nao ngóng đợi con về mẹ ơi

Giờ đây cách biệt đôi nơi

Dư âm còn lại những lời dối dăng

Lấy gì so sánh cho bằng

Công lao trời biển con hằng ơn sâu

Người đi trước, kẻ về sau

Vòng đời bãi bể nương dâu lạ gì?

Cốt sao có nghĩa, có nghì

Làm người đạo nghĩa khắc ghi vào lòng

Niềm khát vọng, nỗi nhớ mong

Tiếng thơm truyền tiếp nối dòng nho gia

Đông vui con cháu đầy nhà

Thành tâm sớm tối hương hoa dâng người.

 

Cùng một tứ thơ như bài thơ trên, nhà thơ Đoàn Kim Vân lại khắc họa quê hương và tình yêu cha mẹ ở một góc nhìn hồi tưởng đầy cảm xúc hoài niệm trong bài "Trở về vườn cũ" với những câu thơ lục bát gợi mở được nhạc sĩ Mai Văn Lạng soạn theo điệu hát xẩm:

 

Trở về lối cũ vườn xưa

Đường mòn, xóm vắng, giậu thưa xạc xào

Tầng mây lửng trên cao

Khóm tre kẽo kẹt rì rào gió ru

Ngược dòng về tuổi ấu thơ

Song thân ngày ấy bây giờ nơi đâu

Trải bao mưa nắng dãi dầu

Dừng chân vườn cũ mái đầu điểm sương

Quê nghèo mảnh đất thân thương

Mang dòng sữa mẹ lớn khôn thành người

Quạnh hiu mình thấy đơn côi

Vườn xưa gợi nhớ như khơi mạch buồn

Bóng hình cha mẹ trong con

Bên vườn rau ngót sớm hôm vun trồng

Đêm đông bên bếp lửa hồng

Chuyện vui mẹ kể nỗi lòng nuôi con

Giờ đây biết nói gì hơn

Chắp tay con thắp nén hương tạ lòng.

Từ hai tập thơ "Hạt nắng tình Thơ" và "5000 câu thơ lục bát - Dấu ấn một thời" của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân (đều là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) đã có 150 bài thơ được hai nhạc sĩ Dân Huyền và Mai Văn Lạng soạn theo các làn điệu dân ca truyền thống quen thuộc, dễ nhớ và dễ hát. Đây cũng là một tác phẩm Thơ - Ca đúng nghĩa nghệ thuật đã được các nhà thơ và nhạc sĩ dày công sáng tác. Và phải chăng, tác phẩm thi ca này cũng xứng đáng được đứng vào danh sách xác lập kỷ lục Việt Nam về "Hai vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ được soạn theo các làn điệu dân ca nhiều nhất"?

 

Hà Nội tháng 6-2020

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Ủy viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội